Thanh Hóa ‘xin’ cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhận chìm hơn 1,4 triệu m3 chất nạo vét
Tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị Bộ TN-MT xem xét, giải quyết đề nghị của Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho nhận chìm hơn 1,4 triệu m3 trong năm 2022.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Sáu tháng kể từ khi bị từ chối cho nhận chìm gần 7 triệu m3 chất nạo vét xuống biển từ năm 2022-2026, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang được chính quyền tỉnh Thanh Hóa chấp thuận phương án cho nhận chìm hơn 1,4 triệu m3 trong năm 2022.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đề nghị cơ quan này xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho nhận chìm chất nạo vét trong quá trình duy tu công trình cảng.
Ngày 25/5, tại hội nghị xem xét phương án xử lý chất nạo vét của dự án duy tu công trình cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn với chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đại diện Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất xin xử lý khoảng 6,964 triệu m3 chất nạo vét từ năm 2022-2026.
Khối lượng dự kiến nạo vét trong các năm lần lượt là khoảng 1,9 triệu m3 (năm 2022); khoảng 932.000 m3 (năm 2023); khoảng 1,6 triệu m3 (năm 2024); khoảng 932.000 m3 (năm 2025); khoảng 1,6 triệu m3 (năm 2026). Tổng khối lượng chất nạo vét khoảng 6,964 triệu m3.
Phương án do công ty này đưa ra là nhận chìm ở biển hoặc tận thu làm vật liệu san lấp, trong đó nghiêng về nhận chìm biển vì vật liệu nạo vét “không phù hợp cho san lấp mặt bằng”. Toàn bộ chất thải nạo vét được đề xuất cho nhận chìm xuống khu vực biển có diện tích 400 ha của thị xã Nghi Sơn.
Tuy nhiên, đề xuất trên không được đại diện các cơ quan, đơn vị của tỉnh Thanh Hóa đồng ý. UBND thị xã Nghi Sơn cho rằng việc nhận chìm chất nạo vét với khối lượng lớn như doanh nghiệp đề xuất không chỉ ảnh hưởng tới ngư trường của ngư dân vùng biển Nghi Sơn mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ sinh thái vùng biển khu vực đảo Hòn Mê.
Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh cho biết tại khu vực vùng biển Nghi Sơn đã chấp thuận cho nhận chìm tổng cộng 6,723 triệu m3 của 3 dự án nạo vét cảng biển và luồng hàng hải Nghi Sơn, gồm Dự án của Ban Quản lý Hàng hải giai đoạn 2021-2024 (3,5 triệu m3); Dự án của Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc (423.000 m3); Dự án Cảng Long Sơn (2,8 triệu m3). Việc nhận chìm thêm 6,964 triệu m3 sẽ vượt quá sức chịu tải môi trường của vùng biển Nghi Sơn.
Đáng lưu ý, trong buổi làm việc, đại diện Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho nhận chìm khoảng 1,9 triệu m3 vật chất nạo vét trong năm 2022; với chất nạo vét trong các năm tiếp theo, doanh nghiệp này hứa sẽ nghiên cứu theo hướng đổ thải trên bờ. Đáp lại ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất bằng văn bản ngay trong ngày 25/5, UBND tỉnh sẽ giao các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh và trình Thường trực UBND xem xét, quyết định.
Sau hội nghị, Lọc hóa dầu Nghi Sơn có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án và vị trí nhận chìm cho 1,8 triệu m3 chất nạo vét trong năm 2022.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương cho nhận chìm chất nạo vét của dự án duy tu công trình cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao đơn vị có liên quan làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tính toán, xác định khối lượng chất nạo vét, đảm bảo khối lượng nhận chìm ở mức thấp nhất, phù hợp với nhu cầu của đơn vị và thời gian còn lại năm 2022.
Tháng 7/2022, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vị trí nhận chìm đối với 1.486.008,1 m3 chất nạo vét.
Ngày 27/9, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2022).
Sau khi ban hành quyết định trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cho hay đây là doanh nghiệp FDI có tổng mức đầu tư lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Vĩnh Long