Thanh Hóa: Sự phục hồi của ngành du lịch

Chia sẻ Facebook
08/10/2022 17:19:30

Trong 9 tháng đầu năm, Thanh Hóa đã đón 10,3 triệu lượt khách con số ấn tượng cao nhất từ trước đến nay, chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.


Theo báo cáo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng, tỉnh Thanh Hóa đã đón hơn 10,3 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế gần 110 nghìn lượt), đạt gần 104% kế hoạch; doanh thu từ du lịch ước đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 106,4% kế hoạch đề ra.

Du khách về du lịch tắm biển tại Sầm Sơn


Riêng thành phố biển Sầm Sơn đã đạt được những con số kỷ lục là đón hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 13.000 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm 2022. Đây là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Sầm Sơn. Với quyết tâm trở thành "thành phố của lễ hội". Công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng được tăng cường, góp phần xây dựng hình ảnh đất và người Sầm Sơn văn minh, thân thiện, thu hút khách du lịch đến Sầm Sơn.

Tại huyện Bá Thước, 9 tháng năm 2022 huyện Bá Thước đón được 60.452 lượt khách du lịch, tăng 144% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế 3.201 lượt, khách trong nước 57.251 lượt. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 50 tỷ đồng.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, để có được những kết quả ấn tượng này, tháng 3/2022, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai đón và phục vụ khách theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19". Sau sự kiện mở đầu là lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa, từ tháng 3 đến nay, các ngành, các địa phương của Thanh Hóa đã tổ chức thành công trên 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch tại địa phương, các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh, thành phố là thị trường trọng điểm về du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch trên nền tảng số. Thực hiện chiến dịch quảng bá "Thanh Hoá - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn".

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung nguồn lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn với những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, nhằm nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh khác biệt, nổi trội, thu hút khách trong nước và quốc tế. Bản thân các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng đã nỗ lực làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phát triển thêm nhiều sản phẩm đúng với nhu cầu thực tế phù hợp với địa phương.


Ông Trần Đình Sơn Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hiệp hội đã tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch đồng thời phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khảo sát, xúc tiến, kết nối du lịch .

Thanh Hóa vẫn còn hạn chế về khách du lịch quốc tế

Mặc dù vượt chỉ tiêu kế hoạch năm cả về số lượng khách du lịch và doanh thu, song số lượng khách quốc tế đến Thanh Hóa vẫn còn rất ít, mới chỉ đạt gần 110 nghìn lượt người, bằng 25% kế hoạch năm 2022; mức chi tiêu trung bình của mỗi du khách khi đến Thanh Hóa chỉ đạt khoảng trên 1,9 triệu đồng, thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác. Những con số này phần nào phản ánh dịch vụ đi kèm, sản phẩm, dịch vụ lưu trú tại các khu, điểm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn.

Điều này cho thấy, tỉnh Thanh Hóa cần phải tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, nhất là các dự án đã khởi công để tạo sự chuyển biến về chất lượng và sản phẩm du lịch. Đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó, quan tâm hơn tới các thị trường quốc tế, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng tốt tối đa lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông trong kết nối du lịch vùng miền.

Chia sẻ Facebook