Thanh Hóa: Ăn nhậu và đất đai là 2 yếu tố gây mâu thuẫn hàng đầu
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều vụ án cố ý gây thương tích và giết người xuất phát từ mâu thuẫn trong khi ăn nhậu và tranh chấp đất đai.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, tổng kết năm 2022, toàn tỉnh này đã xảy ra 553 vụ với 778 đối tượng cố ý gây thương tích và 66 vụ với 73 đối tượng liên quan tội giết người. Hậu quả làm chết 21 người, 637 người bị thương.
Cùng với sự phát triển của xã hội, tính chất, mức độ, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm gây thương tích và giết người ngày càng côn đồ, nguy hiểm. Hậu quả từ các vụ việc này để lại cho người bị hại, gia đình và xã hội rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Qua thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, những nguyên nhân chủ yếu, hàng đầu thường dẫn tới các vụ việc trên là do: Mâu thuẫn từ uống rượu bia, sử dụng chất ma túy, chất kích thích, cư xử giao tiếp thiếu văn hóa, thiếu kiềm chế, do va chạm khi tham gia giao thông; Mâu thuẫn tranh chấp đất đai, tài sản, tranh giành thể hiện bản thân; Mâu thuẫn trong sinh hoạt đời sống thường ngày điển hình như hát karaoke tại khu dân cư quá giờ gây ổn ào, xả rác thải bừa bãi; Mâu thuẫn từ ghen tuông tình ái, mâu thuẫn tình cảm, nợ nần; Mâu thuẫn vay nợ hoặc liên quan đến tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy; Mâu thuẫn trong bình luận trên các trang mạng xã hội dẫn đến thách thức, đe dọa, hẹn gặp nhau để gây thương tích.
Với tính chất đặc thù, loại tội phạm cố ý gây thương tích và giết người thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe , thậm chí chết người, nhiều người bị thương tật vĩnh viễn, mất đi một phần cơ thể, mất khả năng lao động hoặc bị suy giảm sức lao động. Trong khi đó, đối tượng vi phạm sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử áp dụng hình phạt rất nghiêm khắc, có thể bị án tù đến mức chung thân hoặc tử hình.
Vì vậy, để phòng ngừa có hiệu quả với tội phạm cố ý gây thương tích, giết người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân chấp hành tốt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm cố ý gây thương tích và giết người nói riêng.
Cụ thể, có ứng xử văn hóa, lịch sự trong giao tiếp, tôn trọng lẫn nhau; thường xuyên quan tâm, quản lý giáo dục con em trong gia đình, đặc biệt chú ý đến các mối quan hệ ngoài xã hội của con em mình để kịp thời uốn nắn, giáo dục, nhất là những thanh niên biểu hiện hư hỏng, thường xuyên ăn chơi, lêu lổng không quan tâm đến việc học tập, gia đình; Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời tố giác tội phạm. Kịp thời phát hiện, tố giác đến cơ quan chức năng giải quyết triệt để các mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống xã hội không để âm ỉ, kéo dài, phức tạp; Không cổ vũ, xúi giục, kích động người khác tham gia đánh nhau, gây thương tích, giết người; Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích trong các cuộc liên hoan, hiếu, hỷ, tổ chức sự kiện và trong đời sống sinh hoạt hằng ngày để nâng cao sức khỏe, đồng thời phòng ngừa mâu thuẫn đến các vụ gây thương tích, giết người; Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp nên giữ bình tĩnh, tìm hướng giải quyết, tuyệt đối không sử dụng bạo lực. Trong trường hợp không giải quyết được thì trình báo ngay cho cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương để hỗ trợ giải quyết; Không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay lãi nặng, không tham gia hoặc liên quan đến tệ nạn cờ bạc, ma túy, không tàng trữ vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép vì bất kỳ lý do gì; Khi phát hiện các biểu hiện nghi vấn như chuẩn bị vũ khí, dao, kiếm, mã tấu, gậy gộc... hoặc các xung đột, cãi vã, chuẩn bị thực hiện hành vi đánh nhau, cố ý gây thương tích, giết người đề nghị người dân thông báo ngay cho lực lượng Công an gần nhất hoặc gọi ngay đường dây nóng Công an tỉnh Thanh Hóa, số điện thoại 02373.725.725 để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật .