Thanh Hóa: 551 công nhân bị nợ lương hơn 4,2 tỷ đồng trong dịp Tết

Chia sẻ Facebook
31/01/2023 12:15:03

3 doanh nghiệp ở Thanh Hóa còn nợ lương của 551 công nhân với tổng số tiền nợ hơn 4,2 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Cổ phần xi măng Công Thanh (xi măng Công Thanh) tại Khu kinh tế Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) đã tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 12/2022.

Sau khi tạm dừng hoạt động, xi măng Công Thanh còn nợ lương của 461 công nhân, với tổng số tiền nợ là 5,56 tỷ đồng. Đến ngày 24/1, xi măng Công Thanh đã chi trả lương tháng 10/2022, hiện vẫn còn nợ lương tháng 11 và 12/2022 với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV dệt may B-H Vina (huyện Quảng Xương) đang nợ lương của 60 công nhân, với tổng số tiền 100 triệu đồng. Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, công ty này đang làm các thủ tục để vay vốn ngân hàng lấy tiền trả lương cho công nhân.

Công ty TNHH may xuất khẩu Lê Anh (huyện Quảng Xương) đang nợ 1 tháng lương của 30 công với nhân tổng số tiền 120 triệu đồng. Đáng chú ý, các công nhân làm việc tại công ty này không có hợp đồng lao động, làm việc thời vụ, và hiện không liên hệ được với chủ doanh nghiệp.

Tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng khiến nhiều công nhân mất việc làm, giảm thu nhập diễn ra từ năm 2022.

Đến thời điểm cuối năm 2022, đã có hơn 7.000 công nhân làm việc trong 25 doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động do không có đơn hàng.

Trong một diễn biến có liên quan, 5 ngày trước Tết Quý Mão 2023, Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp cho biết có 100 công nhân của Công ty Đầu tư Thương mại Quang Minh (công ty Quang Minh) tại tỉnh Thanh Hóa bị cho nghỉ đột ngột.

Theo Tạp chí này, Công ty Quang Minh là nhà thầu của Công ty Cổ phần tập đoàn VAS Nghi Sơn tại Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn.

Trong các hợp đồng ký kết cung ứng dịch vụ giữa hai bên vào ngày 12/12 hàng năm, bên VAS luôn chủ động gia hạn hợp đồng và gửi cho bên Quang Minh ký lại vào các năm.

Tuy nhiên, ngày 10/1/2023, ông Trần Tấn Đắc (Giám đốc Khu hậu cần cảng Nghi Sơn), Nguyễn Viết Khu và các ông trong Ban giám đốc Khu hậu cần thông báo miệng cho bà Cù Thị Mến, quản lý công ty Quang Minh, rằng “trong vòng ba ngày phải cho toàn bộ công nhân và các thiết bị máy, kỹ thuật ra khỏi khu hậu cần”.

Tập đoàn VAS Nghi Sơn sau đó đưa ra văn bản giải thích lý do là “gặp khó khăn trong giai đoạn này.”

Công nhân công ty TNHH Đầu tư Thương mại Quang Minh ăn mì tôm tại chỗ làm. (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)

Ban giám đốc công ty Quang Minh cho biết họ đã đầu tư nhiều máy kỹ thuật tân tiến và 100 công nhân của họ là người địa phương, có hoàn cảnh rất khó khăn. Việc bị đối tác ra một quyết định đột ngột “ngừng hợp tác” như vậy đẩy công ty Quang Minh vào thế phải phá sản, 100 công nhân rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp cho biết thêm việc bỗng nhiên thất nghiệp trước năm mới khiến các công nhân “rất bất ngờ” và họ không biết sau Tết sẽ tìm việc ở đâu.


Minh Long

Bị nợ lương, lương thấp, hàng loạt y bác sĩ ở Gia Lai nghỉ việc dù bị kỷ luật

Nợ lương kéo dài, thời gian làm việc nhiều gây áp lực tinh thần, thể chất... khiến nhiều y bác sĩ ở Gia Lai nghỉ việc, thậm chí chịu kỷ luật.

Chia sẻ Facebook