Thận trọng với tư vấn hợp đồng hợp tác đầu tư

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 13:35:07

Trong khi sự việc của Tân Hoàng Minh vẫn chưa đến hồi kết thì gần đây xuất hiện hàng loạt kiểu mời gọi "hợp tác" mà nếu thiếu kinh nghiệm, rất có thể "nhà đầu tư" sẽ gặp bất lợi sau này.

Trái phiếu Tân Hoàng Minh có lãi suất khá cao - Ảnh: B.MAI

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng hợp đồng hợp tác đầu tư không được quy định bởi Luật chứng khoán mà bằng Luật dân sự. Do đó, nhà đầu tư tham gia sản phẩm này phải hết sức cân nhắc, thận trọng.


Hỏi kỹ mới thấy... sợ

Kể với Tuổi Trẻ, chị T.T.N. (Hà Nội) cho hay chị là khách hàng VIP của một ngân hàng và lâu nay chị được một nhân viên tên G. chăm sóc. Hôm 25-4, chị N. được nhân viên này thông báo khoản tiết kiệm chị gửi tại ngân hàng sắp tất toán nên mời đầu tư vào dự án của tập đoàn S.

Theo nhân viên này, đây là sản phẩm hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư và tập đoàn K. Vốn được tập đoàn này huy động cho các dự án ở Hà Nội, Tây Thăng Long, Mũi Né... và được bảo lãnh chi trả, bồi thường và bồi hoàn thiệt hại bởi tập đoàn S. Ngoài lãi suất lên đến 12%/năm, số tiền tối thiểu mà nhà đầu tư có thể tham gia là 1 triệu đồng, chỉ cần tải app để đầu tư...


"Họ chỉ nói đến những ưu đãi vượt trội của sản phẩm so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên khi tôi hỏi về trách nhiệm của ngân hàng như thế nào đối với nhà đầu tư trong trường hợp trái phiếu xảy ra rủi ro thì nhân viên này mới cho biết là người của một công ty tài chính. Nếu có thế thật thì thông tin tiết kiệm của tôi cũng bị khai thác rồi sao?" - chị N. đặt câu hỏi.


Hơn nữa, cũng theo chị T.T.N., sản phẩm chị được giới thiệu ở trên không phải là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), mà chỉ là hợp tác đầu tư nên nếu rót tiền vào thì chị không phải là trái chủ.


Ưu thế hơn cả trái phiếu?

Nghe chuyện chị T.T.N. nói trên, chúng tôi cũng vào vai người có nhu cầu mua TPDN và liên hệ T. - người giới thiệu là nhân viên của tập đoàn K thuộc hệ sinh thái của S.

Sau khi ngỏ ý, T. giới thiệu có phân phối 4 lô trái phiếu. Theo tìm hiểu, nhiều đơn vị hỗ trợ để các lô trái phiếu này phát hành đều có dây mơ rễ má.

Chẳng hạn công ty chứng khoán K làm đại lý quản lý tài sản bảo đảm, đại lý đăng ký và làm cả đại diện người sở hữu trái phiếu. Toàn bộ tiền liên quan sẽ được gửi về tài khoản được mở tại một ngân hàng thương mại.

Khi chúng tôi nêu thắc mắc về những điều trên, nhân viên này chuyển hướng thúc giục: "Mỗi lô trái phiếu đều giới hạn tiền huy động nên khách hàng vào tiền nhanh, không còn nguồn trái phiếu để bán nữa. Nhưng ngoài hình thức trái phiếu thì có thể đầu tư trực tiếp vào bất động sản".

Theo người này, chọn hình thức hợp tác đầu tư sẽ có nhiều điểm hấp dẫn như lãi suất cao hơn (11,5%/năm), rút tiền linh hoạt hơn trái phiếu. Ngoài ra còn được nhiều ưu đãi khác như nhận voucher (phiếu ưu đãi) có giá trị bằng 3% giá trị đầu tư, hoàn tiền 0,5-0,7%/năm/giá trị đầu tư, được quyền ưu tiên đặt mua bất động sản (lock căn)...

"Người ngoài có thể không hiểu, nhưng nhân viên bên mình toàn chọn gói đầu tư vì linh hoạt, nhiều dự án để lựa chọn, không bị giới hạn như trái phiếu", T. nói.

Đáng chú ý, thay vì ký giấy tờ rõ ràng, khách hàng chỉ cần tải ứng dụng K. về điện thoại, sau đó điền một số thông tin cá nhân, rồi chuyển tiền vào "đầu tư". Trường hợp khách hàng muốn ký giấy tờ rõ ràng thì phải chấp nhận mức lãi thấp hơn.

Bày tỏ vẫn giữ mong muốn trở thành trái chủ thay vì "nhà đầu tư", T. cho biết sẽ kiểm tra lại ngay xem có trái chủ nào đáo hạn "nhả ra", hoặc chuyển sang hình thức đầu tư không rồi báo lại.


Chi vài triệu là thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

Theo nghị định 153/2020, đối tượng mua TPDN với hình thức phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với điều kiện: phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỉ đồng (điều 11 của Luật chứng khoán 2019).

Để lách quy định trên, T. khẳng định chỉ cần nạp vào 2,8 triệu đồng là công ty chứng khoán sẽ lo được. Tuy nhiên người này vẫn khuyên nên đầu tư thay vì mua trái phiếu để lãi cao hơn, không cần mất phí 2,8 triệu đồng và nhiều người khác cũng làm như vậy.

Trước đó, khi Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu, một nhân viên tư vấn tên B.C. lại đưa ra lời chào hấp dẫn hơn: "Bên em sẽ đăng ký và hỗ trợ chi phí làm chứng chỉ, không cần phải học hay làm gì hết", đồng thời "bên em hỗ trợ chi phí đó".


Không phải là trái chủ, nắm chắc phần thiệt

Với các trường hợp không phải là trái chủ, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định khi xảy ra rủi ro, nhà đầu tư không thể bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu bồi thường thiệt hại.

Theo tìm hiểu, sau khi vụ việc trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy, nhiều người cũng phát hiện bản thân không phải là trái chủ, mà chỉ là "nhà đầu tư" để được hưởng lãi hơn 11%/năm.

Đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết nhiều lãnh đạo cấp cao đang bị tạm giam ở nhiều nơi. Vì chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn, nên tập đoàn chưa có lộ trình cụ thể hoàn tiền cho nhà đầu tư đến hạn. Hiện đang tìm người mua 3 dự án.

Chia sẻ Facebook