Thần Tích Ngày Tết: Chức trách của Thổ Công và mối quan hệ với con người
Tết cổ truyền là phong tục truyền thống đặc biệt quan trọng trong nền văn hóa Á Đông. Văn hóa Á Đông chính là văn hóa Thần truyền, do Thần truyền cấp cho con người, vì vậy chưa bao giờ tách khỏi những câu chuyện về Thần. Năm hết tết đến cũng là dịp gắn liền với rất nhiều Thần tích khác nhau. Trong loạt bài “Thần Tích Ngày Tết” này chúng tôi xin điểm lại một số truyền thuyết và Thần thoại mà cổ nhân đã lưu lại cho chúng ta, đồng thời cũng mạn phép đưa ra một vài góc nhìn khác mà có lẽ người hiện đại ít khi lưu tâm đến…
Thổ Công là một trong ba vị Thần gắn liền với đời sống của con người là: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ theo các tín ngưỡng Á Đông, thường được gọi chung là Định Phúc Táo Quân. Trong đó Thổ Công là Thần quản việc đất đai, Thổ Địa quản việc nhà cửa, còn Thổ Kỳ quản việc bếp núc. Nhân dịp bước sang năm mới, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về lai lịch, chức trách và mối quan hệ của Thần Thổ Công với con người, từ đó hiểu rõ hơn về nền văn hóa Thần truyền của cổ nhân.
Chức trách của Thổ Công
Theo các tín ngưỡng dân gian của Việt Nam và Trung Hoa, Thổ Công là vị Thần cai quản một vùng đất, chịu trách nhiệm về đất đai và chúng sinh trên mảnh đất đó, bao gồm cả con người. Chẳng hạn như trong Tây Du Ký, khi bốn thầy trò Đường Tăng đi đến một địa phương thì Tôn Ngộ Không thường gọi Thổ Thần nơi đó lên để hỏi về tình hình của khu vực, để cho hành trình của bốn người được thuận lợi hơn.
Người Việt có tục cúng ông Công, ông Táo vào các dịp cuối năm, trong đó “ông Công” chính là Thần Thổ Công. Ở nhiều địa phương người Việt thường hợp nhất ông Công với ông Địa, và hay thờ chung với Thần Tài. Dân gian cũng có câu nói: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, ngụ ý Thổ Công là Thần quản việc trên mặt đất, còn Hà Bá là Thủy Thần quản việc đường thủy dưới sông.
Người Hoa thường gọi Thổ Công là Phúc Đức Chính Thần, Thổ Địa Công, Thổ Địa gia gia,… Trong các bộ phim truyền hình của Đài Loan hay có những lời thoại như “Chúng ta hãy đến miếu bái Phúc Đức lão gia.” “Phúc Đức lão gia” chính là cách gọi thể hiện sự tôn kính đối với Thần Thổ Công – vị Chính Thần có phúc đức bảo hộ địa phương.
Từ xưa đến nay việc thờ cúng Thần Thổ Công rất phổ biến trong đời sống tâm linh của người Hoa và người Việt, từ bình dân đến trí thức hay thậm chí là vua quan cũng rất coi trọng việc này.
Thời xưa người ta cúng bái Thổ Công mang ý nghĩa cúng bái đất đai, thể hiện lòng biết ơn và tôn kính với Trời Đất, với mảnh đất quê hương đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, hoặc địa phương đã cấp cho mình điều kiện thuận lợi để đạt được cuộc sống bình an hạnh phúc. Còn người thời nay đa số cúng Thổ Công để cầu xin tiền tài, sự nghiệp công danh, hoặc tình duyên.
Theo truyền thuyết, Thổ Công thuộc về Địa Tiên (Thần Tiên trên mặt đất), nói chung là một vị Thần khá thấp so với chư Thần trên Thiên Thượng, vì vậy nên Thổ Công khá gần gũi với dân gian và có thể dễ dàng quản lý việc của con người, trực tiếp bảo hộ con người.
Các vị Thần Thổ Công thật ra đa số đều từng là những người trung nghĩa khi còn sống, hoặc những người làm nhiều việc tốt nên tích được đức lớn, có phúc lớn, sau khi qua đời được Thiên Đế căn cứ theo phúc đức mà phong làm Thổ Công ở các địa phương khác nhau. Người có đức lớn thì được làm Thổ Công ở các địa phương lớn hoặc thành thị, người có đức nhỏ hơn thì làm Thổ Công tại nông thôn hoặc các vùng đất nhỏ. Hơn nữa, Thần Thổ Công cũng là một chức vị có “nhiệm kỳ”, khi phúc đức đã hết thì phải rời đi và trao quyền cho người mới. Tất nhiên so với người thường thì thọ mệnh và phúc phận của Thổ Công vẫn lớn hơn rất nhiều.
Phúc Đức Chính Thần thật ra đều là những người trung nghĩa hoặc tích được đại đức, sau khi qua đời được Thiên Thượng phong làm Thổ Thần. (Ảnh qua NTDVN.com)
Công việc của Thổ Công là cai quản chúng sinh ở địa phương thuộc quyền quản hạt của mình, nắm giữ và cân bằng phúc họa của người dân nơi đó tùy theo các việc Thiện ác họ đã làm. Nếu có một người vừa được sinh ra, Thổ Công sẽ nhận công văn từ bên trên, chiếu theo an bài của Thiên Thượng mà sắp xếp hoàn cảnh cuộc sống của người đó. Ngược lại nếu có một người vừa chết đi, Thổ Công sẽ đưa hồn phách người đó đến chỗ Thành Hoàng báo cáo, rồi chỉ đường họ đến Hoàng Tuyền (suối vàng) ở Địa Phủ.
Ngoài ra, Thổ Công cũng phải đảm bảo tình hình trị an và sự an toàn của chúng sinh trong khu vực. Cũng giống như quan binh và cảnh sát có nhiệm vụ phòng chống tội phạm, Thổ Công và các bộ thuộc của mình sẽ ngăn chặn không cho những sinh mệnh tà ác, yêu ma quỷ quái đến phá hoại hoàn cảnh sống vốn có của cư dân địa phương. Nếu nhiệm kỳ kết thúc, Thổ Công kế nhiệm sẽ tiếp tục làm những việc còn đang dở dang của Thổ Công tiền nhiệm.
Còn người thế gian sẽ xây cho Thổ Công một ngôi miếu, hàng năm đều cúng tế hương khói, một là để tạ ơn Thổ Công đã bảo hộ cho địa phương của mình suốt một năm qua, hai là để cầu nguyện sang năm mới mọi người vẫn tiếp tục nhận được sự che chở của Thổ Công. Có thể hưởng hương hỏa của thế gian cũng là một loại phúc phận của Địa Tiên.
Quan hệ giữa Thổ Công và Thiện ác của dân địa phương
Theo ghi chép của học giả Viên Mai, đời nhà Thanh có người tú tài khi đi qua một địa phương thì lâm bệnh nặng không dậy nổi. Buổi tối mơ thấy Thần Thổ Công đến nói với anh ta: “Mệnh của anh vốn tới hôm nay đã tận, nhưng vì trước đây anh từng cứu mạng một cô gái nên tích được đức lớn, thọ mệnh vì thế mà được kéo dài. Tôi đã báo lại điều này với Âm Phủ rồi, sáng mai anh sẽ khỏe lại.”
Quả nhiên sau khi tỉnh giấc, tú tài dần dần bình phục, tới sáng hôm sau đã khỏe lại hoàn toàn. Nhớ lại hình ảnh Thổ Công trong giấc mơ, anh ta thấy Thần ăn mặc rách rưới, dáng vẻ ốm o như người chịu đói đã lâu, liền quyết định bỏ tiền làm một bữa ăn thịnh soạn mang vào miếu cúng tạ Thổ Công.
Đến tối tú tài mơ thấy Thổ Công đến cảm ơn vì bữa ăn, Thổ Công nói thêm: “Kiếp trước chúng ta vốn là bằng hữu, vì có tiền duyên nên tôi mới giúp anh được.”
Tú tài thắc mắc hỏi: “Ngài là Thổ Thần của địa phương này, cớ sao lại ‘nghèo túng’ như vậy?”
Thổ Công đáp: “Dân tình nơi đây quen thói làm ác, chẳng có được mấy người tin vào Thần, nên khiến cho ma quỷ lộng hành. Tôi cũng vì vậy mà mất đi hương hỏa, tôi lại không chịu hợp tác với lũ ma quỷ tác quái nên đành phải chịu cảnh đói khát. Là quỷ Thần thì dù ba năm không ăn cũng không chết đói, nhưng năng lực sẽ yếu đi. Người ác càng nhiều thì ma quỷ trong vùng càng mạnh, tôi cũng không thể chống nổi chúng. Địa phương này đã trở thành vùng đất hiểm ác rồi.”
Tú tài lúc ấy mới vỡ lẽ: Hóa ra đạo đức và tín ngưỡng của dân chúng sẽ ảnh hưởng đến vận khí của vùng đất, là đất lành hay đất dữ, của Thần hay của ma, đều tùy thuộc vào tình hình chung của cư dân nơi đó là Thiện hay ác.
Thổ Thần tiết lộ Thiện ác của con người có thể quyết định vận khí của một địa phương là tốt hay xấu, lành hay dữ, của Thần hay của ma. (Ảnh qua NTDVN)
Câu chuyện trên đã chỉ cho chúng ta một đạo lý rằng: Thật ra những Thần ở cảnh giới khá thấp như Thổ Công, Táo Quân,… tuy họ có thể tiếp cận với con người và bảo hộ con người, nhưng các vị ấy cũng rất cần đạo đức và tín ngưỡng của con người hỗ trợ.
Nếu con người làm nhiều việc ác khiến đạo đức của một địa phương trở nên suy bại, thì chính các vị Thần ấy cũng chịu liên can, năng lực của họ sẽ suy yếu đi. Thêm vào đó, con người càng làm ác thì ma quỷ trong vùng càng mạnh và càng hoành hành nhiều hơn, kết cục sẽ khiến chính mảnh đất đó phải gặp tai ương.
Xã hội ngày nay đạo đức đang trượt trên dốc lớn, ngay cả lễ nghĩa truyền thống cũng bị chụp mũ “lỗi thời” mà bác bỏ, người ta phóng túng dục vọng của bản thân, không tin nhân quả báo ứng, tùy tiện làm ác hại người, chính là đang khiến ma quỷ càng ngày càng lớn mạnh và những Thần bảo hộ họ càng ngày càng suy yếu.
Thế nhân không nhận ra điều này, lại còn thờ cúng Thổ Công cầu xin tiền tài danh vọng, mà không biết rằng điều các vị Thần ấy cần nhất chính là lương tri và đạo đức của dân chúng. Nếu dân chúng trong vùng mà bất Thiện thì chính các vị ấy cũng gặp rắc rối theo, sao còn có thể bảo hộ con người được nữa? Không còn sự bảo hộ của Thần thì vùng đất ấy sẽ ra sao?
Thế Di