Thận heo hoạt động tốt trong cơ thể người trong hơn một tháng
Các bác sĩ phẫu thuật tại Hoa Kỳ đã cấy ghép một quả thận heo biến đổi gen vào một bệnh nhân chết não và quả thận này vẫn hoạt động tốt trong 32 ngày.
Quy trình thử nghiệm mới nhất này là một phần của lĩnh vực nghiên cứu nhằm thúc đẩy việc cấy ghép giữa các loài, và thu hẹp khoảng cách giữa việc ghép tạng và hiến tạng.
Ông Robert Montgomery, Giám đốc Viện Cấy ghép Langone của Đại học New York chuẩn bị quả thận heo để cấy ghép cho người đàn ông chết não ở New York vào ngày 14/7 - Ảnh:AP
Ông Robert Montgomery, Giám đốc Viện Cấy ghép Langone của Đại học New York nói: “Chúng tôi có một quả thận heo được chỉnh sửa gen tồn tại hơn một tháng ở người. Tôi nghĩ rằng có một câu chuyện rất hấp dẫn vào thời điểm này và điều này sẽ mang lại sự đảm bảo hơn về việc bắt đầu một số nghiên cứu ban đầu... ở người sống'.
Montgomery thực hiện ca ghép thận heo biến đổi gen đầu tiên cho người vào tháng 9/2021, sau đó thực hiện một quy trình tương tự vào tháng 11/2021. Kể từ đó, có một số thử nghiệm khác nhưng tất cả các thử nghiệm diễn ra trong hai hoặc ba ngày.
Trong khi các ca cấy ghép trước đây liên quan đến các bộ phận cơ thể có tới 10 biến đổi gen, thì ca cấy ghép mới nhất chỉ có 1 biến đổi trong gen liên quan đến 'sự đào thải siêu cấp' xảy ra trong vòng vài phút sau khi nội tạng động vật được kết nối với hệ tuần hoàn của con người.
Bằng cách 'hạ gục' gen chịu trách nhiệm về một phân tử sinh học có tên là alpha-gal - nhóm nghiên cứu đã có thể ngăn chặn sự đào thải ngay lập tức.
'Hiện chúng tôi đã thu thập thêm bằng chứng cho thấy, ít nhất là ở thận, chỉ cần loại bỏ gen kích hoạt thải ghép cấp tính cùng với các loại thuốc ức chế miễn dịch đã được phê duyệt lâm sàng để quản lý thành công cấy ghép ở người nhằm đạt được hiệu quả tối ưu, lâu dài' - Montgomery nói.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng nhúng tuyến ức của heo - nằm quanh cổ - chịu trách nhiệm đào tạo hệ thống miễn dịch lớp ngoài của thận.
Adam Griesemer, thuộc Trường Y khoa NYU Grossman nói, phương pháp này cho phép các tế bào miễn dịch trong cơ thể vật chủ học cách nhận ra các tế bào của heo là tế bào của chính nó và ngăn chặn sự đào thải.
Cả hai quả thận của bệnh nhân đã được cắt bỏ, sau đó một quả thận heo được cấy ghép và bắt đầu sản xuất nước tiểu ngay lập tức.
Quá trình giám sát cho thấy, mức độ creatinine, một chất thải, ở mức tối ưu và không có bằng chứng về sự đào thải.
Điều quan trọng là không có bằng chứng nào về virus cytomegalovirus ở heo - có thể gây ra suy nội tạng - được phát hiện kể từ khi cấy ghép và nhóm nghiên cứu dự định sẽ tiếp tục theo dõi thêm một tháng nữa.
Vào tháng 1/2022, các bác sĩ phẫu thuật tại Trường Y thuộc Đại học Maryland thực hiện ca cấy ghép tim heo sang người sống đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, người được ghép tim đã chết sau 2 tháng - được cho là do sự hiện diện của virus cytomegalovirus ở heo.