Tham vọng mới của Highlands Coffee
Chuỗi café lớn nhất Việt Nam, Highlands Coffee vừa công bố nhận diện thương hiệu mới sau 23 năm kinh doanh tại Việt Nam. Với động thái này, có vẻ như tham vọng của họ không chỉ nằm ở café…
Theo đó, chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam với hơn 500 cửa hàng ra mắt logo mới cùng thông điệp “Highlands Coffee® Là Của Chúng Mình”. Đây là lần thay đổi logo thứ 4 của Highlands Coffee sau lần gần nhất năm 2013.
“Refresh” với nhận diện mới
Trên thực tế, thương hiệu của Highlands Coffee đã từ lâu khá ấn tượng và rất dễ nhận diện. Họ có hai gam màu chủ đạo là đỏ - đen, từ đồng phục nhân viên đến cách bài trí không gian nội thất và cho đến logo. Chuỗi này từ trước đến nay vẫn luôn tạo ra một ấn tượng với khách hàng về một vẻ vừa hiện đại, vừa năng động nhưng vẫn gần gũi và dễ nhớ.
Theo chia sẻ từ Highlands Coffee, với lần thay đổi nhận diện này không chỉ dừng lại ở câu chuyện họ muốn “refresh” thương hiệu và lan toả văn hoá café, mà họ còn muốn các địa điểm của chuỗi trở thành một sợi dây liên kết, điểm đến của cộng đồng, theo tinh thần của nhà sáng lập từ những ngày đầu gây dựng thương hiệu.
Nhìn chung, đổi mới nhận diện thương hiệu của một công ty là một công việc đòi hỏi nhiều can đảm. Bởi, việc xây dựng lại thương hiệu và truyền tải toàn bộ tầm nhìn vào các bên liên quan là điều không hề dễ dàng. Nhiều thương hiệu đã đạt được thành công to lớn bằng cách đổi nhận diện và thiết kế lại chiến lược công ty, nhưng ngược lại cũng có không ít gặp thất bại.
Và còn gì nữa?
Trong quá khứ, người ta đã từng thấy “gã khổng lồ” đồ uống Starbucks làm vậy. Mặc dù là một thương hiệu đồ uống cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới bằng một “chiếc” logo nàng tiên cá nổi tiếng, nhưng Starbucks vẫn đã quyết định thay đổi logo của mình vào năm 2011. Điều này được thực hiện khi Starbucks muốn khám phá các thị trường mới ngoài café. Và với sự thay đổi này, họ đã thâm nhập vào các thị trường mới và đưa ra các sản phẩm kem, rượu và nhiều thứ khác. Ban đầu, việc đổi nhận diện thương hiệu đã dẫn đến phản ứng trái chiều nhưng cuối cùng họ đã được công chúng chấp nhận. Starbucks cho đến nay vẫn đang đứng đầu trong thị trường chuỗi đồ uống toàn cầu và việc thay đổi logo của họ được coi là một sự thành công.
Quay trở lại câu chuyện của Highlands Coffee, có vẻ như sau gần 2 thập kỷ gắn bó với chiếc logo cũ, họ muốn có một sự thay thế bản sắc của một thương hiệu đã cũ, giống như việc thay bộ quần áo cũ của mình bằng một bộ quần áo mới, hợp mốt, nhằm tránh sự nhàm chán của khách hàng về một thương hiệu đã quá quen thuộc hoặc lỗi thời.
Bên cạnh đó, Highlands Coffee còn thể hiện tham vọng khám phá các thị trường mới ngoài café, như trong phát biểu của ông David Thái - người sáng lập đã từng nói: “Mặc dù đã có hơn 500 cửa hàng khắp Việt Nam, thế nhưng chúng tôi không muốn mình chỉ phục vụ café”.
Theo các chuyên gia phân tích, có nhiều lý do khiến các công ty chấp nhận rủi ro trong việc đổi nhận diện thương hiệu. Thứ nhất là khi họ muốn thâm nhập vào một thị trường mới hoặc sản xuất một sản phẩm mới. Hai là họ muốn phân biệt mình với các đối thủ cạnh tranh, hoặc làm mới mình để thâm nhập thị trường quốc tế nhằm phù hợp hơn với thị trường mới và thân thiện với văn hóa của thị trường đó.
Ở đây, nhìn chung dường như đang muốn có một sự thay đổi về nhận diện thương hiệu của mình, nhằm định vị lại chiến lược kinh doanh và đồng thời cũng là “làm mới” lại mình bằng một hệ sinh thái mới.
Theo Nguyễn Chuẩn