Tham vọng lớn năm 2024, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD

Chia sẻ Facebook
18/12/2023 03:18:26

Thị trường đang “ấm dần” khi dịp Noel và năm mới đến gần, sức mua tại nhiều thị trường quốc tế dần tăng.Năm 2024, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD.

Ngành dệt may hướng đến mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì sang đến năm 2023, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá,...

Đáng chý ý, trong một bức tranh khá ảm đạm như vậy, vẫn xuất hiện một vài "điểm sáng", đó là xuất khẩu hàng dệt may sang một số thị trường vẫn tăng như: Nhật Bản, Austrailia, Nga, Ấn Độ...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không bị giảm sâu trong bối cảnh sức mua giảm mạnh.


Trao đổi với Đại Biểu Nhân Dân , ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho hay, ngành dệt may Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, với sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, hướng đến một năm 2024 cùng hy vọng phục hồi, với dự báo về sự "ấm dần" của thị trường.

Đại diện VITAS cho biết, nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD, mục tiêu đặt ra và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, để thực hiện mục tiêu này, từ nay – 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.

Giai đoạn từ 2031 – 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

"Giải pháp chính của ngành dệt may vẫn sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; trong đó thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may...

VITAS cho biết, hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngành Dệt May Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ảnh minh họa.


Hiện thị trường đang “ấm dần”

Hiện thị trường đang “ấm dần” khi dịp Noel và năm mới đến gần, sức mua tại nhiều thị trường quốc tế dần tăng. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tăng đơn hàng trong quý IV.2023. Đây chính là nền tảng để thị trường phục hồi trong năm 2024. Trên cơ sở đó, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm tới vào khoảng 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023 và tiệm cận mức kỷ lục của năm 2022 (44,4 tỷ USD). Đây là tham vọng lớn, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đang bủa vây.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia chỉ rõ, đơn hàng đã có khởi sắc dần song vẫn đà giảm; chuỗi cung ứng vẫn còn rủi ro, chi phí đầu vào còn cao; xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng nếu không sẽ mất cơ hội.

Mặt khác, đại diện VITAS xác nhận, việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng là những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa. Chưa kể, những bất ổn từ tình hình thế giới, các cuộc xung đột, những chính sách kiềm chế lạm phát ở một số nước cũng sẽ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có ngành dệt may.

Dù vậy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS Trương Văn Cẩm cho rằng, ngành đang đứng trước nhiều cơ hội. Trước hết, tại nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU hiện đang có những dấu hiệu phục hồi (tại Mỹ, các chuyên gia dự báo tiêu dùng trong quý IV.2023 có thể tăng 2,75%, cao hơn so với dự báo 2% đưa ra trước đó), qua đó sẽ tăng khả năng cải thiện về cầu hàng dệt may cao hơn so với năm 2023.

Thêm nữa, theo ông Cẩm, mặt bằng lãi suất cho vay trong nước đã giảm đáng kể sau những chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước, giúp giảm chi phí lãi vay cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đã thông qua Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển của ngành.

Chiến lược phát triển ngành dệt may - Tìm cơ hội trong thách thức

Trong xu hướng phát triển, doanh nghiệp dệt may luôn duy trì mục tiêu làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, chuyển đổi sản phẩm nhanh, mang tính thời trang, thời gian giao hàng nhanh.

Nhằm phát triển ngành dệt may cụ thể hóa mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, cũng như hướng tới phát triển bền vững, VITAS xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm, về đầu tư phát triển bền vững, thị trường, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và vốn. Theo đó, sẽ thu hút các dự án dệt, nhuộm, hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may…

Song, nỗ lực của phía doanh nghiệp là chưa đủ và rất cần trợ lực từ phía Nhà nước. Đại diện VITAS kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là cho các ngành nghề khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế, cho đổi mới công nghệ, kỹ năng xanh, kỹ năng chuyển đổi số. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm vào cuộc triển khai Quyết định 1643/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến 2030, tầm nhìn 2035”, nhất là Chương trình phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu thị trường thu hút khách hàng.

Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp chưa sử dụng hết theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2024. Đối với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng cho giảm lãi suất 2% đang triển khai rất chậm tại các ngân hàng thương mại, đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường. Đồng thời, giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để tránh lao động nhảy việc, giảm tỉ lệ doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn về tối đa 1% và giảm tỉ lệ nộp lên công đoàn cấp trên tối đa 15%.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo, các doanh nghiệp dệt may cần tiếp tục cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá…; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...). Trong bối cảnh sản xuất xanh là tất yếu, các doanh nghiệp cũng cần chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro.

Nhấn mạnh hiện ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với Bangladesh, nhất là khi nước bạn đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh thì ngành dệt may nước ta mới đang trên những bước đầu của chuyển đổi, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải lưu ý, các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới. Tăng cường đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện cũng là giải pháp quan trọng để hướng tới phát triển xanh.


Theo báo Công Thương , truocs đó, Việt Nam hiện đã ký kết một lượng đáng kể các hiệp định thương mại tự do, để tận dụng, hiệp hội cùng doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp tục phát triển công nghiệp thời trang, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chủ động nguyên liệu đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản trị…

Giải đáp các vấn đề được truyền thông đưa ra tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Giang cho hay: Phát triển ngành công nghiệp thời trang là vấn đề đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được một nguyên nhân quan trọng là thiếu lực lượng thiết kế. Đây là yếu điểm cần khắc phục.

Tuy nhiên, không phải ngành công nghiệp thời trang Việt Nam chưa phát triển mà đã có nhưng rải rác và chưa thành một tổng thể. Các nhãn hàng hiện nay không còn chỉ định thiết kế mà chỉ đưa ra yêu cầu cho nhà sản xuất phát triển mẫu và chào hàng. Như vậy, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đã có, điều cần là phải thành lập chi hội thiết kế thời trang Việt Nam, có chiến lược phát triển cho khâu thiết kế, hình thành các trung tâm trình diễn thời trang, đào tạo nhân lực.

Theo số liệu thống kê đến hết 10 tháng năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 33 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước.

Thei lãnh đạo VITAS, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết 9 tháng xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, tiếp đến là Nhật bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD.

Ngoài ra, từ đầu năm tới nay Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đáng kể hàng dệt may sang Canada, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong, Ấn Độ… Trong số các thị trường trọng điểm của ngành, xuất khẩu sang EU năm nay không đạt kỳ vọng, 9 tháng giảm 13%.

Bên cạnh đa dạng thị trường, doanh nghiệp dệt may trong nước đã đa dạng được mặt hàng xuất khẩu. Theo thống kê của Vitas, 9 tháng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đi khắp thế giới, trong đó jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 4,385 tỷ USD, quần áo các loại 3,853 tỷ USD, áo thun 3,85 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, quần áo trẻ em 1,7 tỷ USD, vải các loại 1,7 tỷ USD… Đặc biệt, mặt hàng Veston đã khôi phục đáng kể trong năm nay.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook