Thảm họa vỡ đập Libya: Phóng viên hé lộ điều ám ảnh nhất
Các phóng viên chứng kiến hậu quả kinh hoàng của thảm họa vỡ đập ở Libya đã chia sẻ về cảnh tượng gây ám ảnh với họ.
Các đội cứu hộ và thành viên của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya tìm kiếm thi thể tại một bãi biển sau thảm họa vỡ đập ở Derna. Ảnh: Reuters
Đầu tuần này, Mohamed Eljabo, phóng viên tự do sống ở thủ đô Tripoli, đã tới các tỉnh phía đông Libya: Đi qua thành phố Derna, thành phố Bayda và thị trấn Sousa. Những gì Eljabo chứng kiến được mô tả là "cú sốc không thể tưởng tượng nổi".
"Tôi từng đến thăm các điểm đó trước đây và hiểu rõ về chúng", ông Eljabo nói. "Tôi mong đợi tìm thấy các thành phố và thị trấn này còn nguyên vẹn khi đi từ Tripoli tới đây. Tôi mong các khu dân cư và các thị trấn không bị tàn phá quá nghiêm trọng. Nhưng chẳng còn gì cả. Chúng gần như bị xóa sổ. Thật khủng khiếp".
Eljabo là một trong nhiều phóng viên địa phương trong tuần qua đã chứng kiến những cảnh tượng mà giờ đây họ cảm thấy khó diễn tả vì quá thương tâm. Tờ Observer đã có cuộc trao đổi với 6 phóng viên, những người thoát chết trong gang tấc, trải qua sự mất mát bạn bè, người thân và vẫn đang đưa tin về các địa điểm gần như bị xóa sổ khỏi bản đồ.
"Phần ám ảnh nhất trong toàn bộ hành trình của tôi là vết sẹo mà cơn bão Daniel và thảm họa vỡ đập để lại cho người còn sống", phóng viên Eljabo nói. "Khi tôi bắt đầu viết bài và tiếp xúc với những người sống sót, khuôn mặt của họ toát lên sự sợ hãi. Nỗi kinh hoàng hiện rõ trong ánh mắt và nét mặt của họ. Có những đứa trẻ khóc bên mộ người thân và cố gắng trèo lên những ngôi mộ. Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì đau lòng đến thế".
Noura Mahmoud al-Haddad, nữ phóng viên tự do ở thành phố Shahat, cách thành phố Derna 100km, nhìn từ cửa sổ nhà cô khi mưa trút xuống suốt cả ngày, gây mất điện và nước dâng cao ngập các đường phố, có nơi ngập kín tầng một tòa nhà.
"Đó là một đêm thảm khốc. Chúng tôi suýt chết đuối. Tôi thậm chí còn đăng lên trang Facebook lời vĩnh biệt. Tôi tưởng sẽ chết cùng 3 con nhỏ", Noura chia sẻ.
Các đội thợ lặn Algeria, tới hỗ trợ Libya, đang tìm kiếm và cứu hộ trong một tòa nhà bị ngập nước ở thành phố Derna ngày 15/9. Ảnh: Getty
Nước lũ đã tàn phá thành phố Derna và các khu vực xung quanh, để lại nhiều thi thể trên bãi biển, đường phố và dưới các đống đổ nát. Theo Liên Hợp Quốc, chính quyền địa phương lo ngại về dịch bệnh lây lan nên đã vội vàng chôn cất 1.000 thi thể trong các mộ tập thể.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác cảnh báo về sự vội vã này, nói rằng không có thêm mối đe dọa nào về bệnh tật nhưng nguồn nước có thể bị ô nhiễm vì hành động đó.
Ngoài ra, một tổ chức giám sát bom chùm và mìn còn lo ngại về việc các chất nổ chưa nổ bị nước lũ cuốn đi khắp nơi. Số chất nổ này còn sót lại kể từ cuộc nội chiến năm 2011.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya ngày 16/9 (giờ địa phương) cho biết, hơn 11.000 người đã chết ở thành phố Derna và hơn 10.000 người khác vẫn mất tích (số người mất tích chưa được cập nhật kể từ thông báo đầu tiên). Lực lượng cứu hộ đang phải đào bới bùn đất để tìm kiếm các thi thể, trong khi việc sơ tán người sống sót được thực hiện rất chậm.
Libya hiện tồn tại 2 chính phủ song song. Một được Liên Hợp Quốc công nhận, đang kiểm soát miền tây. Chính phủ còn lại kiểm soát miền đông Libya.
Với các phóng viên sống sót hoặc đưa tin về thảm họa, cuộc xung đột chính trị đẫm máu ở Libya khiến các dịch vụ của đất nước bị xuống cấp, bao gồm cả việc thiếu duy tu bảo dưỡng 2 con đập gần Derna, hoạt động từ thập niên 70. Giống như nhiều người khác, các phóng viên này phẫn nộ về việc tại sao một thảm họa ở quy mô khủng khiếp như vậy được phép xảy ra.
Nguyễn Thái - Guardian