Thảm họa giẫm đạp ở Hàn Quốc: Nguy hiểm tiềm ẩn trong những đám đông

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 00:33:00

Đêm lễ Halloween hôm 29-10 ở khu phố Itaewon của Seoul (Hàn Quốc) biến thành thảm kịch khi đám đông dồn xuống một con dốc hẹp, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau khiến 154 người chết và hàng chục người bị thương.

Đến chiều 30-10, Hàn Quốc xác định đây là vụ giẫm đạp chết chóc nhất trong lịch sử với 153 người chết, trong đó có 22 người nước ngoài bao gồm 1 người Việt Nam, và số thương vong có thể còn tăng. Sự việc một lần nữa cho thấy nguy cơ giẫm đạp (hầu như không xảy ra trong suốt đại dịch COVID-19) đang xuất hiện trở lại.

Thảm kịch giẫm đạp ở Hàn Quốc -Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: NHƯ KHANH


Chết ngạt

Khi các đám đông trở nên hỗn loạn, hầu hết nạn nhân chết do ngạt thở nhiều hơn là bị giẫm đạp. Trong đêm lễ hội Halloween, nơi hàng chục ngàn người đi chơi lễ lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, thảm kịch đã xảy ra.

Các nhân chứng kể lại khoảnh khắc kinh hoàng khi đám đông kẹt cứng và nhiều người bắt đầu lịm đi. "Nhiều nạn nhân mặt tái mét. Chúng tôi không thể bắt mạch hay nhịp thở và nhiều người chảy máu mũi. Khi tôi hô hấp nhân tạo, máu trào ra từ miệng họ", Hãng tin AFP dẫn lời bác sĩ Lee Beom Suk tại hiện trường.

"Khi mọi người gắng đứng dậy, tay và chân họ bị xoắn vào nhau. Phải mất 30 giây trước khi bạn bất tỉnh, và khoảng 6 phút bạn rơi vào tình trạng ngạt. Đó là nguyên nhân chung gây tử vong - không phải bị nghiền nát mà là ngạt thở", G. Keith Still, giáo sư về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh, từng phân tích trước đây.

Điều nguy hiểm trong các đám đông là nguy cơ hỗn loạn có thể xảy ra chỉ với một sự cố nhỏ, ví như cảnh sát bắn hơi cay gây ra cảnh giẫm đạp đẫm máu tại sân vận động ở Indonesia vào đầu tháng 10-2022 làm 131 người chết, hay khi có ai đó hét lên "cháy" hoặc "có súng". Tại sự kiện ở Seoul, một số thông tin cho rằng đám đông dồn về con hẻm "tử thần" khi nghe có người nổi tiếng tại một quán bar.

Thảm kịch còn bao gồm nhiều yếu tố khác. Phần lớn nạn nhân (97 người) là nữ, do họ có vóc người nhỏ và mang đồ hóa trang nặng hơn. Vụ việc bất ngờ với hàng trăm nạn nhân khiến các nhân viên cứu hộ không kịp trở tay, đường phố quá đông cũng khiến việc tiếp cận cấp cứu trong "bốn phút vàng" là không thể.

Cảnh sát cũng không lường trước được thảm kịch và chỉ triển khai lực lượng như thông thường, với khoảng 200 người. Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang Min giải thích nhiều cảnh sát khi đó được điều đến nơi khác để xử lý một nguy cơ biểu tình.


Quốc tang

Ngày 30-10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố tổ chức quốc tang cho các nạn nhân - hầu hết là thanh thiếu niên trong độ tuổi trên dưới 20. Sau sự cố, chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh danh tính nạn nhân, nhất là những người dưới 17 tuổi, vì không có chứng minh nhân dân và xử lý hơn 2.600 báo cáo mất tích.

"Điều quan trọng nhất là xác định nguyên nhân để ngăn các tai nạn tương tự", Hãng tin Yonhap dẫn lời Tổng thống Yoon. Ông Yoon cũng yêu cầu các bộ liên quan lập tức xem xét lại các sự kiện lễ hội để đảm bảo an toàn và trật tự.

Chia sẻ Facebook