Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Chia sẻ Facebook
19/11/2022 18:16:05

Khủng khoảng Nga – Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, các chính sách mới nhằm bảo đảm an ninh lương thực ở một số quốc gia... với những biến động nhanh, phức tạp, vượt ngoài dự báo đã tác động mạnh đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và cả sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, ngành nông nghiệp năm 2022 vẫn có thể mang về kim ngạch xuất khẩu từ 53-54 tỷ USD, vượt mục tiêu Chính phủ giao 3-4 tỷ USD, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.


Cũng như nhiều ngành hàng khác, ngành nông nghiệp trải qua gần 1 năm với nhiều khó khăn. Đó là giá xăng dầu liên tục tăng cao và tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp do những biến động của các yếu tố chính trị và kinh tế. Đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Thêm vào đó, từ khi khủng khoảng Nga – Ukraine xảy ra đã khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi... tăng mạnh. Ngoài ra, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giá thế giới liên tục tăng do nguồn cung giảm bởi hạn hán và chính sách xuất khẩu như: ngô, khô dầu đậu tương, cám gạo, bã rượu khô (DDGS) đều tăng từ 12-20%. Trong khi đó, Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, kéo theo giá các mặt hàng này trong nước cũng tăng từ 10-29%.

Chưa kể những xung đột chính trị, biến động giá xăng dầu khiến chi phí logistics tăng cao. Bối cảnh này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải đẩy nhanh chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, năm nay thực sự là năm rất “nóng” với ngành chăn nuôi vì thức ăn chăn nuôi tăng rất cao. Đây là bài học sâu sắc để Việt Nam có phương án phát triển chăn nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi khó giảm trong thời gian tới.

Với khoảng 150 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tận dụng trở thành nguồn tài nguyên đưa vào chế biến; trong đó có làm thức ăn chăn nuôi. Việc sử dụng phế phụ phẩm bước đầu có hiệu quả, dần dần đi theo hướng kinh tế tuần hoàn.

“Với nguyên tắc đảm bảo dinh dưỡng với giá thành thấp nhất, thì việc tận dụng nguyên liệu trong nước đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay.

Trồng trọt cũng gặp khó khăn không kém bởi chi phí đầu vào tăng cao do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Đứng trước tình hình trên, Cục Trồng trọt đã phối hợp với cơ quan chuyên môn ban hành một số quy trình canh tác trên các loại cây trồng chính nhằm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống… hợp lý nhất để giảm nhiều nhất chi phí đầu vào, giúp tăng thu nhập cho nông dân, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.

“Đây là cơ hội để từng bước thay đổi thói quen lạm dụng vật tư nông nghiệp của nông dân”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.

Khi thị trường hàng hóa thế giới có biến động, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo ngay Cục Bảo vệ thực vật đánh giá khả năng cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhất là đối với phân bón MAP, DAP phải nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng làm việc với Bộ Công Thương để xóa bỏ thuế tự vệ đưa sản phẩm nhập khẩu có giá thành phù hợp hơn.

Bên cạnh việc dự tính, dự báo, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục phối hợp các doanh nghiệp trong kế hoạch duy trì sản xuất phân bón, phát huy tối đa công suất để cung ứng kịp thời phân bón ra thị trường, dành tối đa lượng phân bón sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước. Đặc biệt là việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tăng công suất để thay thế phân bón vô cơ tiết giảm chi phí, giảm nhập khẩu cũng như hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.

Dù chưa triệt để, cần có thời gian nhưng khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu đã từng bước được tháo gỡ. Hoạt động xuất khẩu nông sản cũng chịu tác động mạnh từ biến động thế giới đã được các đơn vị đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch, nắm bắt cơ hội thị trường.

Nhờ đó, sau khi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức các đoàn rà soát, số lượng doanh nghiệp chế biến thủy sản khai thác xuất khẩu vào khu vực này tăng lên 661 doanh nghiệp. Cùng đó, Trung Quốc đã chấp thuận bổ sung 9 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào nước này, nâng tổng số lên 788 cơ sở.

Đặc biệt, Trung Quốc vừa mở cửa thêm sầu riêng, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Hay trái bưởi cũng được cấp “giấy thông hành” sang Mỹ. Dù sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh khó dự báo, nhưng những nỗ lực mở cửa thị trường đã là “chất xúc tác” để tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi kinh tế nông nghiệp; khâu khó nhất trong chuỗi giá trị - đầu ra cho sản phẩm - đã được thị trường đón nhận.

Cùng với đó, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.

Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường được đẩy mạnh, nhưng các thị trường luôn có những thay đổi, đòi hỏi cao về chất lượng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm và thời cơ để tiếp cận, mở cửa nhiều thị trường khó tính khác trong tương lai. Người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước để thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của toàn xã hội khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ Facebook