Thái Lan tính nới lỏng thêm quy định du lịch
Bộ Du lịch Thái Lan cho biết sẽ tiếp tục bỏ chương trình Test&Go và Thai Pass nếu số ca COVID-19 không bùng lên lại sau Tết Songkran vào tháng 4-2022. Năm nay, nước này tiếp tục đón một cái tết trầm lắng.
"Thái Lan đã khởi đầu nhanh vào năm ngoái khi chúng ta mở cửa lại đón du khách. Chúng ta không thể để bị tụt lại phía sau khi nhiều nước đang mở cửa biên giới và ít hạn chế hơn chúng ta", báo Bangkok Post ngày 25-3 dẫn lời Bộ trưởng Du lịch Phiphat Ratchakitprakarn nói.
Ông Phiphat cho biết chính phủ và các cơ quan du lịch đang bàn việc nới lỏng thêm các quy định du lịch để đạt mục tiêu đón 7 triệu du khách trong năm nay. Trước đó, Thái Lan đã tuyên bố bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR trong vòng 72 tiếng trước khi khởi hành đối với khách quốc tế từ ngày 1-4.
Tết Songkran sẽ là phép thử quan trọng cho Thái Lan trước khi quyết định các bước tiếp theo. Số ca mắc COVID-19 trong tháng 4-2022 sẽ là yếu tố then chốt để nước này bỏ tiếp chương trình Test&Go (cho phép du khách nhập cảnh không cần cách ly nhưng phải được giám sát) và "hộ chiếu vắc xin" Thai Pass từ ngày 1-6. Ông Phiphat cho rằng số ca trong mức chấp nhận được là 30.000-50.000 ca bệnh và 100 ca tử vong mỗi ngày.
Ngày 25-3, Thái Lan công bố có thêm 26.050 ca mắc COVID-19 mới và 69 ca tử vong trong 24 giờ, giảm nhẹ so với ngày trước đó.
Ngành du lịch thất vọng
Theo báo Bangkok Post , năm nay là năm thứ 3 liên tiếp các sự kiện té nước bị cấm tổ chức trong Tết Songkran. Tuy nhiên, thủ đô Bangkok hôm nay, 25-3, sẽ quyết định có tổ chức các hoạt động té nước ở đường Khao San trong dịp Songkran hay không, sau khi nghe kiến nghị từ các doanh nghiệp.
Lệnh cấm do Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đưa ra tuần trước khiến ngành du lịch thất vọng. Với họ, những hạn chế này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố xem COVID-19 là bệnh đặc hữu vào ngày 1-7 của chính phủ.
Theo ông Sanga Ruangwattanakul, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khao San, một nửa trong số 10.000 phòng khách sạn xung quanh quận Phra Nakhon, giáp với đường Khao San - một trong những địa điểm tổ chức lễ hội té nước lớn hằng năm - vẫn đóng cửa vì thị trường quốc tế ảm đạm.
Với những cơ sở đang hoạt động, công suất thuê trung bình đã giảm xuống dưới 20%. "Chưa dám nghĩ đến lợi nhuận, các khách sạn và nhà hàng đang phải vật lộn để duy trì doanh thu ổn định", ông Sanga nói.
"Chúng ta đang muốn du khách trở lại, đặc biệt là vào mùa hè này khi diễn ra lễ hội Songkran. Nhưng hoạt động té nước nổi tiếng lại bị cấm, vậy thì làm sao chúng ta có thể thu hút họ?", ông Sanga bày tỏ.
Trong tuần này, Hiệp hội Doanh nghiệp Khao San sẽ kiến nghị CCSA cho phép các điểm du lịch trên toàn quốc được tổ chức các sự kiện té nước ở nơi công cộng vì "đây là cơ hội tốt nhất để chứng minh cho du khách thấy Thái Lan đã sẵn sàng và trở lại các hoạt động bình thường như trước dịch".
Thời điểm trước dịch COVID-19, đường Khao San thu hút hơn 50.000 du khách mỗi ngày trong Tết Songkran. Các cơ sở lưu trú hai bên đường và các khu vực lân cận đạt công suất 90-100%.
Ông Sanga cho biết nếu chính phủ cho phép các sự kiện Songkran, ngay cả khi bị hạn chế về số người tham gia thì vẫn tốt hơn là cấm. Để tuân thủ các quy định của CCSA, các nhà hàng vẫn giới hạn công suất chỗ ngồi trong nhà và ngoài trời lần lượt là 50% và 75%.
Thu nhập đã ít lại đang bị teo tóp đi do chi phí hoạt động tăng khoảng 20%, do giá dầu và điện tăng.
Thị trường trong nước đìu hiu
Thị trường du lịch trong nước của Thái Lan dự báo cũng sẽ có một lễ hội Songkran buồn năm nay. Bà La-Iad Bungsrithong, chủ tịch chi hội phía bắc của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, nhận định đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp Chiang Mai chứng kiến một Songkran yên tĩnh.
Lượng đặt phòng cho kỳ nghỉ tết vẫn chậm ở mức 20%, trái ngược với những năm trước đại dịch với tỉ lệ đặt phòng đạt 60-70% vào tháng 3, và 90-100% trong thời gian tết.
Nếu lạc quan, theo bà La-lad, tỉ lệ này có thể tăng lên 40-50% trong tết so với mức hiện tại là dưới 20%. Tuy nhiên, do chi phí sinh hoạt và giá dầu tăng cao, có thể công suất phòng cũng có thể dưới 30%.
50% tổng số khách sạn trong tỉnh đã mở cửa trở lại, nhưng hầu hết đều không thể hòa vốn.
Chính phủ Thái Lan đề ra thời hạn ngày 1-7 để tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp mong muốn mốc thời gian này được đẩy lên sớm hơn.