Thái Lan săn mạng lưới gián điệp ở Đông Nam Á
Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP) ra chỉ đạo mật yêu cầu cảnh sát toàn quốc cảnh giác với các gián điệp sau vụ việc Indonesia bắt được một điệp viên Iran.
Ngày 6-6, báo Bangkok Post dẫn nguồn tin cho biết cảnh sát trưởng Thái Lan Suwat Jangyodsuk đã phát chỉ đạo đến cơ quan điều tra đặc biệt của RTP, Cục Điều tra trung ương, Cơ quan cảnh sát đô thị Bangkok và cảnh sát tại 9 tỉnh của Thái Lan nâng báo động và thu thập thông tin tình báo về hoạt động của các điệp viên.
Cảnh sát được yêu cầu theo dõi hoạt động của công dân Iran và một số người Thái theo đạo Hồi nghi làm gián điệp .
Chỉ đạo của ông Suwat nhắc đến vụ chính quyền Indonesia ngày 24-5 phát hiện một người đàn ông tên Ghassem Saberi Gilchalan mang hộ chiếu giả của Bulgaria. Người này bị bắt giữ ngày 27-5 tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta khi chuẩn bị chạy sang Qatar.
Cảnh sát Indonesia xác định Gilchalan là công dân Iran đã nhập cảnh vào nước này tổng cộng 10 lần bằng giấy tờ giả. Người này đã bị tuyên án tù 2 năm.
"Bị cáo Ghassem Saberi Gilchalan không phải là công dân Bulgaria và để có được hộ chiếu Bulgaria, hắn đã mua nó từ một người Iran tên Br. Sayad", Đài CNN dẫn phán quyết của thẩm phán Indonesia.
Theo thông tin từ cảnh sát Thái Lan, cảnh sát Indonesia cũng phát hiện Gilchalan có 11 điện thoại, 1 máy tính bảng, nhiều SIM điện thoại và tiền mặt trị giá khoảng 9.300 USD. Trong các điện thoại trên có tên của một số công dân Thái Lan theo đạo Hồi.
Gián điệp tại nhiều nước
Chính quyền Indonesia cho rằng Gilchalan là một gián điệp. Người này đã khai nhận với cảnh sát Indonesia là được một cựu nhân viên ngoại giao Iran ở Malaysia giao một số nhiệm vụ do thám tại Malaysia và Indonesia.
Một trong những nhiệm vụ này bao gồm vận động chính quyền Indonesia thả tàu chở dầu MT Horse mang cờ Iran bị bắt giữ vào tháng 1-2021. Gilchalan cũng lập một công ty bình phong ở Bali, Indonesia, để che đậy các hoạt động.
"Việc lật tẩy Gilchalan đã gây xôn xao tại một vài nước vốn đang lo ngại về các gián điệp và hoạt động bí mật của Iran. Đây được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Những hoạt động như vậy cũng có thể đang diễn ra ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan", nguồn tin của Bangkok Post nhận định.
Gilchalan và cựu nhân viên ngoại giao Iran chỉ đạo hắn đã từng đến Thái Lan vài lần và gặp một số người Thái theo đạo Hồi dòng Shi'ite có quan hệ thân thiết với Iran.
"Do đó, có khả năng các gián điệp từ Iran đang tham gia các hoạt động bí mật bằng hộ chiếu giả và một số công dân Thái nghi làm gián điệp để đổi lấy hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác", nguồn tin Thái Lan cho biết thêm.
Vụ việc khiến Thái Lan lo ngại trong bối cảnh nước này chuẩn bị đón tiếp các lãnh đạo thế giới dự Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11-2022.
Ưu tiên hàng đầu của chính quyền nước này là đảm bảo an ninh nhằm ngăn nguy cơ xảy ra bạo lực như vụ nổ ở Bangkok năm 2012. Trong vụ việc, Thái Lan đã bắt giữ 3 người Iran có liên quan.
Đáp lại việc Cơ quan tình báo Anh cảnh báo điệp viên Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng lên các nhà làm luật của London, Bắc Kinh nói các chính trị gia Anh coi quá nhiều phim điệp viên 007.