Thái Lan loại COVID-19 khỏi danh sách bệnh cấm nhập cảnh, EMA nhận định dịch bệnh chưa kết thúc
Đến sáng 21/9, thế giới có trên 617,86 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,53 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 97,55 triệu ca mắc và hơn 1,078 triệu trường hợp tử vong.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 18/9 vừa qua trong chương trình "60 Phút" của đài CBS, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, đại dịch COVID-19 "đã chấm dứt" ở Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn giữ quan điểm khá thận trọng.
Ông Biden cho biết, đại dịch COVID-19 vẫn là vấn đề với nước Mỹ, nhưng nó đã chấm dứt tại quốc gia này, với dấu hiệu là người dân không còn đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ông Biden vẫn nhấn mạnh, ông không coi nhẹ tác động tổng thể của đại dịch. Trước tuyên bố này của Tổng thống Mỹ, các chuyên gia y tế cho rằng vẫn chưa phải là thời điểm có thể lơ là cảnh giác với đại dịch. Hiện Chính phủ Mỹ vẫn chỉ định COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng. Theo thống kê của Đại học John Hopkins, Mỹ ghi nhận hơn 2 triệu ca mắc COVID-19 trong 28 ngày qua, với hàng trăm người tử vong vì căn bệnh này mỗi ngày.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thông báo, các nhà nghiên cứu đã phát triển phương pháp để đánh giá các đột biến trong tương lai của virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng thế nào đến việc nhận dạng các kháng thể được sử dụng trong các xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Phương pháp trên được phát triển trong bối cảnh virus liên tục biến đổi, gây lo ngại về hiệu quả của các xét nghiệm kháng nguyên nhanh hiện nay. Nhóm các nhà nghiên cứu được NIH tài trợ đã chứng minh rằng các xét nghiệm nhanh kháng nguyên có sẵn trên thị trường hiện nay có thể phát hiện các biến thể trong quá khứ và hiện tại của virus SARS-CoV-2, đồng thời xác định các đột biến tiềm ẩn có thể tác động đến hiệu quả của xét nghiệm trong tương lai.
Vì hầu hết các xét nghiệm nhanh kháng nguyên hiện nay đều dựa trên việc phát hiện protein nucleocapsid hay còn gọi là protein N của virus SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu xem các đột biến ở protein N có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng nhận ra mục tiêu của kháng thể chẩn đoán.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 20/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,54 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 , bao gồm hơn 528.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 .
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 154.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil có tổng số người nhiễm cao thứ tư thế giới với trên 34,63 triệu nhưng lại đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với gần 685.500 trường hợp.
Người phụ trách Y tế của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) Steffen Thirstrup ngày 20/9 khẳng định, đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và một chương trình tiêm chủng đã được lên kế hoạch tại châu Âu trong mùa lạnh tới là chìa khóa để phòng chống dịch.
Phát biểu tại họp báo, ông Thirstrup cho biết: "Chúng tôi tại châu Âu vẫn coi đại dịch này đang tiếp diễn và điều quan trọng là các nước thành viên phải chuẩn bị để triển khai tiêm phòng, đặc biệt là tiêm các loại vaccine cải tiến để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch tiếp theo tại châu Âu".
Tại cuộc họp báo trên, các quan chức EMA đã tái khẳng định lời kêu gọi của Giám đốc điều hành Emer Cooke hồi tuần trước rằng châu Âu cần tiêm mũi tăng cường bằng bất cứ loại vaccine nào hiện có và khuyến nghị tiêm trong những tháng tới. Ngoài các vaccine gốc, EMA gần đây đã ủng hộ việc dùng một số loại vaccine khác được cải tiến cho phù hợp với biến thể Omicron làm mũi tiêm tăng cường nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế nếu số ca nhiễm có thể tăng lên vào mùa thu và đông tại châu Âu.
Ngày 20/9, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cho người dân nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19.
Trong giai đoạn đầu, Nhật Bản ưu tiên tiêm cho những người từ 60 tuổi trở lên và các nhân viên y tế chưa tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ tư. Sau đó, vào khoảng giữa tháng 10, Nhật Bản sẽ mở rộng diện tiêm chủng sang các đối tượng từ 12 tuổi trở lên và đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine.
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tiêm miễn phí cho tất cả những người muốn tiêm vaccine này trước kỳ nghỉ lễ cuối năm, thời điểm nguy cơ tái bùng phát của dịch bệnh rất cao. Loại vaccine được Nhật Bản sử dụng là vaccine phòng biến thể Omicron do các hãng dược phẩm Pfizer và Moderna bào chế và đã được điều chỉnh để chống lại biến thể BA.1.
Số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tiếp tục đà giảm trong ngày thứ 5 liên tiếp và trong 24 giờ qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tuần qua, cho thấy làn sóng dịch bệnh lần này đang chậm lại.
Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 19/9 thông báo, nước này ghi nhận 19.407 ca nhiễm mới, trong đó 289 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 24.413.873 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 11/7 dù người dân đi xét nghiệm ít hơn vào dịp cuối tuần. KDCA cho biết nước này cũng ghi nhận thêm 39 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 27.867 người.
Tuy nhiên, ngày 20/9, Hàn Quốc lại báo cáo 47.864 ca mắc mới và 24 người thiệt mạng. Làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại Hàn Quốc nói trên đang trên đà suy giảm sau khi lây lan mạnh vào đầu tháng 7 và đạt đỉnh trên 180.000 ca/ngày vào giữa tháng 8 vừa qua.
Ngày 20/9, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu cho biết, cùng với số ca mắc COVID giảm dần, các ban ngành đang tích cực nghiên cứu việc nới lỏng chính sách nhập cảnh. Mục tiêu điều chỉnh là cho phép Hong Kong kết nối với thế giới nhiều nhất có thể trong khi kiểm soát xu hướng của dịch bệnh và giảm bớt sự bất tiện của việc phải cách ly. Cố vấn chính quyền, giáo sư Viên Quốc Dũng cho biết, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm, bệnh trở thành một dạng bệnh lưu hành, Hong Kong có điều kiện để thực hiện chính sách cách ly "0 + 7", nghĩa là cho phép người nhập cảnh cách ly tại nhà. Một số chuyên gia cũng có chung nhận định, cho rằng Hong Kong hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện kế hoạch cách ly "0 + 7" hoặc thậm chí là một kế hoạch tích cực hơn.
Do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng lên và tỷ lệ lây nhiễm tự nhiên trong dân số trong làn sóng dịch bệnh thứ 5 cũng ở mức cao nên Hong Kong được cho là đã có hàng rào miễn dịch chống nguy cơ bệnh nặng. Ca bệnh nhập cảnh hiện chiếm khoảng 2% số ca được xác nhận, sẽ không gây áp lực lớn cho hệ thống y tế, hoàn toàn có điều kiện thay thế cách ly bằng xét nghiệm, nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Ngày 20/9, Hong Kong ghi nhận 5.594 ca mắc mới, phản ánh xu hướng giảm dần so với trên 10.000 trường hợp hàng ngày hồi đầu tháng 9.
Giới chuyên gia y tế Thái Lan nhận định, dịch COVID-19 đang tiếp tục đà giảm ở nước này và việc hạ cấp độ nguy hiểm của dịch COVID-19 có thể diễn ra đúng kế hoạch. Theo đánh giá, tình hình COVID-19 tại Thái Lan nhìn chung đã được cải thiện và số ca nhiễm mới tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, số ca nhiễm sẽ lại tăng lên khi thời tiết mát mẻ hơn từ tháng 1 đến tháng 3/2023, nhưng xu hướng lây lan sẽ không nghiêm trọng. Các nhóm dễ bị tổn thương nên tiêm 4 mũi vaccine phòng COVID-19, trong khi người lớn khỏe mạnh dưới 60 tuổi nên tiêm ít nhất 3 mũi.
Trước đó, Thái Lan đã công bố kế hoạch từ đầu tháng 10 tới sẽ giải thể Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19, đồng thời coi COVID-19 chỉ là "bệnh truyền nhiễm cần theo dõi", tức là ngang bệnh cúm mùa hay sốt xuất huyết. Theo thông báo của Bộ Y tế Thái Lan, ngày 20/9, nước này ghi nhận 774 ca mắc COVID-19 mới. Các biến thể BA.4.6 và BA.5 là những chủng chiếm ưu thế trong số các ca mắc COVID-19 hiện nay ở Thái Lan.
Ngày 20/9, Nội các Thái Lan đã thông qua một quy định cấp bộ, theo đó loại trừ COVID-19 khỏi danh sách các bệnh bị từ chối nhập cảnh. Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, bà Rachada Dhnadirek cho biết, quy định sẽ có hiệu lực ngay sau khi được công bố trên Công báo Hoàng gia và dự kiến sẽ sớm được công bố. Bà Rachada nêu rõ, COVID-19 sẽ không còn nằm trong danh sách các bệnh bị cấm khi nhập cảnh hoặc cư trú tại quốc gia này.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát triển một phương pháp công nghệ cao sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nghiên cứu các khả năng tiến hóa của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, qua đó chuẩn bị đối phó với các biến thể virus trong tương lai.
Nhà nghiên cứu William Kelton thuộc Đại học Waikato đang kết hợp với các đối tác quốc tế từ Viện Công nghệ liên bang Thụy Sỹ, Đại học Geneve và các tổ chức khác tiến hành nghiên cứu trên, trong đó lấy protein từ bề mặt virus SARS-CoV-2 đưa vào phòng thí nghiệm và tạo ra nhiều đột biến nhân tạo từ protein, nghiên cứu các đột biến này để tìm ra những đột biến cho phép gắn kết với tế bào.
Theo một bài viết đăng tải trên tạp chí Cell số ra ngày 20/9, nhóm nghiên cứu đã bổ sung các kháng thể vào quá trình này sau đó để mô phỏng các áp lực chọn lọc mà virus có thể trải qua trong cơ thể người. Thông tin về quá trình phát triển protein này được sử dụng để huấn luyện các mô hình học máy dự báo cách thức một biến thể mới có thể gắn kết với tế bào và né tránh kháng thể kết hợp từ hàng chục tỉ khả năng.
Các nhà khoa học Kelton cho biết, mô hình này rất chính xác trong việc dự báo những quá trình mà các biến thể mới có thể tiến hóa và có thể cung cấp một lộ trình để chống lại các biến thể trong tương lai.