THACO muốn đầu tư khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ 26.000 tỷ đồng ở Bình Dương
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương thông tin, mới đây, Bình Dương này đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) về việc triển khai xây dựng một khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Trong khuôn khổ hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ tổ chức ngày 26/11, dự án khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ nói trên đã nhận được MOU hợp tác đầu tư.
Dự kiến, bắt đầu từ năm sau, THACO sẽ tập trung nguồn lực để nghiên cứu dự án. UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo thẩm quyền của tỉnh và pháp luật Việt Nam. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Cũng tại hội nghị, dự án chế tạo trang sức và nữ trang, với tổng vốn đầu tư là 163 triệu USD tại Bình Dương đã được trao chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bình Dương hiện là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Trong 10 tháng năm 2022, Bình Dương đã thu hút được hơn 2,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 57% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 cả nước chỉ sau TP. HCM. Trong 8 tháng năm 2022, nguồn vốn đầu tư trong nước tại Bình Dương đạt 62.359 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD), lần đầu tiên cao hơn thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI (8 tháng đạt hơn 2,5 tỷ USD).
Qua 25 năm hình thành và phát triển, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Dương tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, đứng thứ 3 cả nước sau TP. HCM và Hà Nội, trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, và đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần.
Tỉnh đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, thứ hai cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sau TP. HCM, đứng thứ ba về tổng thu nội địa và về tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương (64%), chỉ tiêu này cũng chỉ đứng sau TP. HCM và Hà Nội...
Thành quả trên đã đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/người/năm.
Quá trình phát triển đó đã giúp Bình Dương bước đầu tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ, thể hiện qua việc sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và một số đoạn thuộc Vành đai 4 đi qua tỉnh, kết nối trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.