Thách thức trong việc hỗ trợ tăng trưởng của Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 14:26:08

Trung Quốc đang cố gắng vực dậy nền kinh tế suy yếu bằng cách áp dụng những cách thức từng mang lại thành công trong quá khứ: hạ lãi suất và tăng chi tiêu công. Nhưng các biện pháp này hiện bị cho là chưa đủ.

Thách thức trong việc hỗ trợ tăng trưởng của Trung Quốc

Bảo vệ tăng trưởng kinh tế cấp bách hơn

Sáng 22-8-2022 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại vì dịch Covid-19. Theo đó lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm – chiếm phần các khoản vay mới và chưa thanh toán – giảm từ 3,7% xuống còn 3,65%, trong khi lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm – đóng vai trò là tỷ lệ tham chiếu cho các khoản vay thế chấp, cũng giảm từ 4,45% xuống còn 4,3%.

Trước đó một tuần, PBoC cũng đã bất ngờ hạ lãi suất đối với các khoản vay trung hạn có tổng trị giá 400 tỉ nhân dân tệ (tương đương 59,3 tỉ đô la Mỹ) từ 2,85% xuống 2,75%, đồng thời hạ lãi suất hợp đồng mua lại kỳ hạn một tuần từ 2,1% xuống ngưỡng 2%.

Động thái của PBoC đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với những dự kiến ban đầu. Giới chức PBoC trước đó đã tỏ ra lưỡng lự với việc giảm lãi suất vì lo ngại về sự gia tăng của tỷ lệ nợ, lạm phát và áp lực mất giá đối với đồng nhân dân tệ.

“Có vẻ như PBoC giờ đây đã xác định được đâu là vấn đề cấp bách hơn. Loạt dữ liệu mới nhất cho thấy đà tăng trưởng kinh tế trong tháng 7 đã suy yếu. Tăng trưởng tín dụng cũng giảm, phản ánh độ nhạy với sự nới lỏng chính sách đã yếu hơn so với các đợt suy giảm tăng trưởng trước đây”, chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans – Pritchard của Capital Economics nhận định với CNN Business.

Bên cạnh các động thái từ PBoC, Trung Quốc cũng đang cố gắng triển khai nhiều biện pháp khác để hỗ trợ nền kinh tế. Hôm 16-8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi quan chức 6 tỉnh chiếm khoảng 40% GDP của nước này, gồm Quảng Đông, Giang Tô, Triết Giang, Hà Nam, Tứ Xuyên và Sơn Đông, thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông thừa nhận áp lực suy giảm tăng trưởng lớn hơn dự kiến từ các đợt phong tỏa chống dịch trong quí 2.

Đáng chú ý, một tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể dựa vào việc phát hành trái phiếu địa phương nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng “số dư trái phiếu đặc biệt do địa phương phát hành vẫn chưa chạm tới trần nợ” và Trung Quốc nên “kích hoạt không gian trần nợ theo quy định của pháp luật”. Theo Bloomberg, chính quyền các địa phương được phép phát hành thêm khoảng 229 tỉ đô la trái phiếu trong năm nay để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như bổ sung ngân sách công.

Nới lỏng chính sách tiền tệ là chưa đủ

Phần lớn giới chuyên gia nhận định động thái cắt giảm lãi suất của Trung Quốc hiện nay là chưa đủ, và sẽ không thể tạo ra được những ảnh hưởng đáng kể. Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Sheana Yue tại Capital Economics nhận xét “những người mua nhà với các khoản vay thế chấp hiện có sẽ phải đợi đến tận đầu năm tới để có thể hưởng lợi từ những sự thay đổi này. Hơn nữa, sự yếu kém hiện tại về nhu cầu vốn vay, một phần là do cơ cấu, phản ánh sự mất niềm tin vào thị trường nhà đất và sự không chắc chắn khi nền kinh tế liên tục bị gián đoạn bởi chiến lược zero Covid của Chính phủ Trung Quốc. Đây là những trở ngại không thể giải quyết một cách dễ dàng bằng chính sách tiền tệ”.

“Nhiều khả năng PBoC sẽ sử dụng các biện pháp khác để khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Mặc dù các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ đang được áp dụng, nhưng hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lại ít hơn so với trước đây. Hơn nữa, PBoC hiện vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong việc áp dụng các biện pháp kích thích quy mô lớn ngay cả khi tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng những sự hỗ trợ bổ sung này sẽ không thể thúc đẩy một sự phục hồi mạnh mẽ”, bà Yue bình luận.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Atilla Widnell, Giám đốc điều hành Navigate Commodities cũng nhận định: “Những biện pháp hỗ trợ/nới lỏng chính sách tiền tệ chưa đủ lớn để đem hiệu quả rõ rệt trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc cần người dân đẩy mạnh chi tiêu, tiêu dùng”.

Sẽ khó có những gói kích thích khổng lồ

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã tạo cho giới doanh nghiệp và thị trường toàn cầu một niềm tin rằng nước này sẵn sàng mạnh tay chi tiêu công mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xảy ra, Trung Quốc đã tung ra gói kích cầu trị giá hơn 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 586 tỉ đô la. Số tiền này tương đương gần 13% GDP của Trung Quốc, và lớn gấp 3 lần so với nỗ lực của Mỹ nhằm vực dậy nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng đó.

Tuy nhiên, giờ đây, khi tăng trưởng của Trung Quốc ngày càng giảm tốc, phần lớn các chuyên gia đều tin rằng Trung Quốc sẽ chỉ áp dụng cách vực dậy tăng trưởng này ở một mức độ rất hạn chế.

Lý do là bởi Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về tính chất không bền vững của công thức kích cầu truyền thống mà nước này thường sử dụng là vay nợ để đầu tư lớn vào hạ tầng. “Đang có một số trở ngại thực sự về tài khóa ở Trung Quốc, khác với hồi năm 2008. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có mức độ vay nợ lớn hơn trước nhiều”, ông Nicholas Borst, Giám đốc phụ trách nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Seafarer Captail Partners LLC nhận định.

Theo ông Borst, vào thời điểm tháng 12 năm ngoái, tổng nợ chính phủ ở Trung Quốc, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và chính quyền các địa phương, ước tính tương đương khoảng 120% GDP, so với mức 60% GDP vào thời điểm năm 2014. Quan trọng hơn, các dạng nợ chính phủ khác, bao gồm vay nợ không được đưa vào bảng cân đối kế toán, đã tăng nhanh và lớn gấp gần 5 lần so với mức nợ của chính phủ trung ương.

Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy, công thức hỗ trợ tăng trưởng quen thuộc của Trung Quốc đang mang lại ít lợi ích hơn so với trước đây.

Theo một tính toán của các chuyên gia kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, lượng vốn tín dụng cấp mới vào năm 2015 phải lớn gấp 3 lần mới có thể tạo ra được mức tăng trưởng kinh tế tương tự. Hiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc đã có khá nhiều, và những công trình mà nước này nhắm tới hiện nay thường có quy mô nhỏ hơn, tạo được ít công ăn việc làm hơn so với những tuyến đường cao tốc, đường sắt, các trung tâm thương mại… được xây dựng trước đó.

Những thách thức đối với việc kích cầu tiêu dùng

Theo IMF, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trong những thập kỷ gần đây đã làm thay đổi bộ mặt của nước này và tạo ra một lượng công ăn việc làm khổng lồ, Bắc Kinh lại chưa có sự đầu tư tương xứng để giúp người dân nước này có thể tự tin chi tiêu hơn.

Những biện pháp như tăng phúc lợi cho người hưu trí và người thất nghiệp mà IMF khuyến nghị Trung Quốc áp dụng có thể củng cố mạng lưới an sinh xã hội của nước này, từ đó khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn. IMF cũng đề xuất Trung Quốc tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua tiền nhân dân tệ kỹ thuật số mà PBoC đang áp dụng thử nghiệm tại nhiều địa phương.

Một vấn đề nữa với Trung Quốc là tác dụng của bất kỳ biện pháp kích cầu tiêu dùng nào ở thời điểm này cũng đều có thể bị cản trở bởi các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt – nhân tố gây suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, sẽ khó có thể trông chờ vào một sự thay đổi lớn trong việc điều chỉnh chính sách chống dịch hay tăng cường hỗ trợ thị trường bất động sản, trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào mùa thu năm nay.

Do vậy, các tổ chức quốc tế vẫn đang tỏ ra khá thận trọng đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự đoán sẽ không đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP sau khi chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 2,5% trong nửa đầu năm nay. Standard Chartered, Goldman Sachs, Nomura và Natixis gần đây đã lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022, xuống còn từ 2,8-3,5%. IMF cũng dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, giảm đáng kể so với mức 4,4% đưa ra hồi tháng 4.

Song Thanh


TBKTSG

Chia sẻ Facebook