Thách thức mới của ông Dương Công Minh
Ông Dương Công Minh không chỉ là cố vấn HĐQT mà có thể là đại diện cho nhóm cổ đông mới gắn liền lợi ích với Bamboo Airways.
Sau nhiều đồn đoán, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank ( HoSE: STB ), cựu Chủ tịch Him Lam đã chính thức xuất hiện tại Hàng không tre Việt (Bamboo Airways) với vai trò cố vấn cho HĐQT. Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Bamboo Airways, việc ông Dương Công Minh trở thành cố vấn cao cấp của hãng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn một cách bền vững trong giai đoạn phát triển mới.
Ông Minh là doanh nhân nổi bật ở 2 lĩnh vực bất động sản và tài chính. Ông là người đặt nền móng cho việc phát triển đế chế địa ốc Him Lam và có công lớn trong quá trình tái cấu trúc Sacombank. Như vậy, sau Sacombank, Bamboo Airways có thể là thách thức tiếp theo của doanh nhân 62 tuổi này.
Không chỉ ở vai trò cố vấn HĐQT
Bamboo Airways được thành lập vào năm 2017, gắn liền với Tập đoàn FLC ( HoSE: FLC ) và tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết. Hãng được Cục Hàng không Việt Nam trao chứng chỉ nhà khai thác bay và chính thức đi vào khai thác trên thị trường hàng không Việt Nam vào đầu năm 2019.
Từ vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, sau 5 năm, hãng đã được tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng tính đến tháng 9/2021. Riêng năm 2021, Bamboo Airways được bơm thêm 11.500 tỷ đồng. Quy mô vốn điều lệ gấp 3,4 lần Vietjet ( HoSE: VJC ) và chỉ kém Vietnam Airlines ( HoSE: HVN ) khoảng 3.600 tỷ đồng.
Theo hồ sơ gửi Sở Giao thông vận tải Mỹ (DOT) để mở đường bay từ Việt Nam tới nước này, tại thời điểm lập hồ sơ ngày 1/6/2021, ông Trình Văn Quyết sở hữu 56,5% vốn Bamboo Airway (trên số vốn 16.000 tỷ đồng); cùng với FLC (hơn 25%) và doanh nghiệp trong cùng hệ sinh tái, tổng tỷ lệ sở hữu cả nhóm liên quan lên đến hơn 94% vốn của hãng hàng không.
Song, vào tháng 4, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt đã dẫn đến nhiều xáo trộn tại FLC cũng như các doanh nghiệp liên quan. Riêng với Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng được bầu làm Chủ tịch tại kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 13/8. Các ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, Nguyễn Mạnh Quân và Doãn Hữu Đoàn làm thành viên HĐQT thay thế các thành viên đã miễn nhiệm.
Trước đó, ngày 29/7, ông Đặng Tất Thắng – người gắn bó với hãng từ này mới thành lập cũng từ nhiệm Tổng giám đốc, người thay thế là ông Nguyễn Mạnh Quân (Phó tổng giám đốc thường trực). Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Thắng cho biết đã hoàn thành nhiệm vụ "chiến đấu hết mình" và chuẩn bị sẵn sàng việc chuyển giao Bamboo Airways cho nhà đầu tư mới.
Sự xuất hiện của ông Dương Công Minh cùng với việc Sacombank từng là chủ nợ lớn của hệ sinh thái FLC cho thấy rằng vai trò của ông Minh không chỉ là cố vấn mà còn đại diện cho nhóm cổ đông mới.
Theo tiết lộ của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, tổng dư nợ của nhóm FLC (bao gồm cả Bamboo Airways) vào khoảng 5.000 tỷ đồng (riêng FLC khoảng 3.200 tỷ đồng) tại thời điểm tháng 4, được đảm bảo bằng cổ phiếu và bất động sản. BCTC hợp nhất quý II của FLC cho thấy khoản nợ nhà băng này giảm 1.900 tỷ đồng so với cuối tháng 3.
Hãng hàng không có mô hình khác biệt, chưa kinh doanh có lãi
Khác với Vietnam Airlines – hàng không truyền thống, Vietjet – hàng không giá rẻ, Bamboo Airways đi theo mô hình hybrid, kết hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không cước phí hợp lý. Doanh nghiệp kỳ vọng mang đến mức giá linh hoạt, chất lượng phục vụ đẳng cấp và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
Ngay từ khi mới thành lập, Bamboo Airways đã định hướng không quá tập trung vào đường bay vàng (đường bay đông khách và đem lại lợi nhuận lớn) gây quá tải cho sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất như đường bay Hà Nội – TP HCM mà khai thác các đường bay nối thẳng nhiều địa phương với nhau như Thanh Hóa – Quy Nhơn hay Quảng Bình – Quy Nhơn. Đồng thời, hãng cũng muốn khai thác với các đường bay thẳng đến TP HCM đến LosAngeles (Mỹ) – đường bay mà đến hãng lớn như Vietnam Airlines cũng cân nhắc về hiệu quả kinh tế và chấp nhận bù lỗ trong mấy năm đầu thực hiện.
Ban đầu, ban lãnh đạo cũng xác định đầu tư lớn, đưa vào khai thác 20 máy bay ngay năm đầu tiên vận hành, mục tiêu là để khách hàng và người dân không lo thiếu chỗ. Đến 2020, hãng nâng lên 40 chiếc và 2 năm tiếp theo đạt 100 máy bay.
Tuy nhiên, mới đi vào vận hành được 1 năm thì dịch bệnh Covid-19 ập đến, Bamboo Airways cũng như nhiều hãng hàng không trên thế giới phải vận lộn để tồn tại, doanh thu giảm sút trong khi chi phí gia tăng. Do vậy, chiến lược của hãng cũng thay đổi, theo cựu CEO, đơn vị đặt mục mở rộng quy mô tàu bay lên 35 chiếc vào cuối năm nay, 42 chiếc năm 2023 và 100 chiếc năm 2028; tiếp tục phủ rộng chuỗi đường bay quốc tế, với các đường bay đến Pháp, Italy, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ… trong thời gian tới cũng như khai thác các đường bay du lịch nội địa.
Theo dữ liệu của Người Đồng Hành , trong 3 năm hoạt động, với các chiến lược để chiếm lĩnh thị phần cùng ảnh hưởng dịch bệnh, Bamboo Airways chủ yếu kinh doanh dưới giá vốn, doanh thu không đủ bù đắp giá vốn. Đặc biệt là 2021, dịch Covid-19 khiến hãng chỉ thu về 3.557 tỷ đồng doanh thu trong khi giá vốn lên đến 7.617 tỷ đồng, lỗ gộp 4.060 tỷ đồng. Cứu cánh của hãng đến từ hoạt động tài chính. Trong 2019 và 2020, nguồn thu từ hoạt động tài chính đạt lần lượt 1.819 tỷ và 4.647 tỷ đồng đủ sức giúp hãng không bị lỗ ròng. Song, sang 2021, doanh thu tài chính giảm 44% xuống 2.571 tỷ đồng trong khi lỗ gộp lớn đã khiến Bamboo Airways lỗ ròng 2.281 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, nhờ dịch bệnh được kiểm soát, đường bay nội địa được mở hoàn toàn, đường bay quốc tế mở dần dần từ tháng 3, Bamboo Airways ghi nhận phục hồi đáng kể khi đạt doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, theo tiết lộ của ông Thắng lúc còn tại nhiệm. Dù doanh thu phục hồi mạnh nhưng trong báo cáo bán niên của FLC, doanh nghiệp này ghi lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết là 582 tỷ đồng cho phần sở hữu 21,7%, tương ứng khoản lỗ 2.680 tỷ đồng trong nửa đầu năm, vượt qua số lỗ cả năm 2021.
Tính đến nay, giá dầu đã hạ nhiệt từ vùng 120 USD/thùng xuống 97 USD/thùng, dù vậy đây vẫn là mức cao và thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến lợi nhuận các hãng hàng không.
Khoản nợ đọng, cho vay ngắn hạn và đầu tư chứng khoán kinh doanh lớn
Trong cơ cấu tài sản, Bamboo Airways dành khoản khá lớn để cho vay ngắn hạn. Riêng năm 2021, khoản này đạt 9.538 tỷ đồng và phát sinh thêm đầu tư chứng khoán kinh doanh 6.309 tỷ đồng, tổng 2 khoản này chiếm 59% tổng tài sản.
Về phần nguồn vốn, hãng có khoản nợ phải trả người bán ngắn hạn 3.012 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, tăng mạnh so với 2020. Theo Tuổi Trẻ, Bamboo Airways có các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng với công ty cung cấp dịch vụ năm 2021 đến nay, hãng xin được trả dần dần hằng tháng, thậm chí xin giảm giá 10% dịch vụ từ năm 2022 cho đến những năm tiếp theo và đề xuất bỏ vài giới hạn riêng để hãng tìm cách tăng doanh thu bán hàng.
Báo cáo của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam ( UPCoM: ACV ) ghi nhận khoản khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi đối với Bamboo Airways là 653 tỷ đồng - cao nhất trong các hãng hàng không và so với mức 343 tỷ đồng đầu năm.
Ngoài ra, theo Cục hàng không, Bamboo Airways đang khai thác 29 máy bay. Trong đó, một máy bay kết thúc hợp đồng thuê vào ngày 5/12. Các máy bay khác đều kết thúc hợp đồng vào các năm 2024, 2025 và các năm sau nữa.
Nhìn chung, những vấn đề mà nhà đầu tư mới khi tham gia vào hãng phải giải quyết đó là khoản nợ đọng nhà cung cấp, các hợp đồng thuê máy bay để đảm bảo vận hành thông suốt cũng như các khoản cho vay và đầu tư đang chiếm phần lớn tổng tài sản.
Dù vậy, Bamboo Airways nói riêng và các hãng hàng không nói chung đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh hậu Covid-19. Nửa đầu năm, động lực tăng trưởng đến thị trường nội địa và nửa cuối năm thị trường quốc tế được kỳ vọng phục hồi tốt hơn.
Theo số liệu của Cục hàng không Việt Nam (CAA), trong nửa đầu năm, 6 hãng hàng không nội địa khai thác tổng cộng 143.141 chuyến, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước. Bamboo Airways là đơn vị đứng thứ 3 với 23.629 chuyến, tăng 21% so với nửa đầu năm trước – mức tăng thấp nhất trong 6 hãng.
CAA cho biết thị trường nội địa bắt đầu hồi phục từ tháng 4, tăng trưởng trở lại vào tháng 5 và có sự tăng trưởng mạnh trong tháng 6. Cụ thể, thị trường nội địa tháng 6 đạt 5 triệu khách, tăng 21% so tháng 5 và tăng 39% so tháng 6/2019 (tháng cao điểm hè trước khi xảy ra dịch Covid-19). Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa trong tháng 6 đều rất cao, đạt từ 85% đến 87% tùy hãng.
Nửa đầu năm, tổng thị trường hành khách đạt 23,3 triệu khách, tăng 74,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% so cùng kỳ 2019, trong đó thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, lần lượt tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, thị trường quốc tế đang dần hồi phục, tuy nhiên tốc độ hồi phục còn thấp do nhiều quốc gia, khu vực (đặc biệt là các quốc gia Đông Bắc Á) vẫn đang áp dụng các quy định, chính sách về hạn chế đi lại trong việc phòng chống dịch Covid-19. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đang từng bước tiếp tục triển khai tăng tần suất, mở lại/mở mới các đường bay ở thị trường Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, đặc biệt, chính phủ Trung Quốc đang từng bước mở cửa cho các chuyến bay chở khách vào Trung Quốc.
SSI Research kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không trong 2023 sẽ mạnh hơn so với 2022, nhưng chưa quay về mức trước Covid-19 cho tới cuối năm 2023. Động lực đến từ sản lượng khách trong nước tiếp tục tăng 10% đạt 98 triệu lượt khách. Khách quốc tế phục hồi tốt đạt 29 triệu lượt khách, thấp hơn 19% so với mức trước Covid, với giả định rằng Trung Quốc sẽ dần thực hiện chính sách không Covid linh hoạt để mở cửa trở lại hoàn toàn vào 2023.
Song, vẫn có rủi ro là các hãng hàng không tái khởi động các tuyến bay trước dịch bệnh đến thị trường quốc tế trong bối cảnh giá dầu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt và khả năng nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng không thiết yếu.
Theo Ngọc Điểm