Thách thức kinh tế Việt Nam 2022-2023
Tăng trưởng GDP 9 tháng 2022 đạt đỉnh 10 năm, CPI dự báo thấp hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nền kinh tế còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức đến từ cả nguyên nhân bên ngoài và từ chính nội tại.
Nền kinh tế Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất 10 năm (từ 2011-2022); CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của Bộ Tài chính, NHNN và Tổng cục Thống kê, CPI năm 2022 chỉ trong khoảng 3,27 - 3,51% (dưới mục tiêu 4% Quốc hội đề ra). Đây là chỉ báo tốt cho thấy còn dư địa để điều hành chính sách tiền tệ "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, trước một thế giới đang biến động nhanh từng ngày, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho Việt Nam từ nay tới cuối năm, và cả năm 2023.
Thách thức từ thị trường vốn
Nhiều thông tin tiêu cực đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc kể từ tháng 4/2022 đến nay. Gần đây nhất, nhà đầu tư lần đầu chứng kiến VN-Index về dưới mốc 1.000 phiên ngày 11/10. Vẫn có những dự báo cho rằng, VN-Index có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh trong thời gian tới.
Cùng với thị trường chứng khoán, nhiều lo ngại về việc tắc nghẽn kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng được chỉ ra. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ phần nào mang tới kỳ vọng "vá" được lỗ hổng phát hành TPDN riêng lẻ, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái cơ cấu nguồn vốn, tái đầu tư, phục hồi, mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9/2022, có 25 đợt phát hành TPDN riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 15.598 tỷ đồng, dù tăng 10% so với tháng liền trước, tuy nhiên, vẫn giảm 77% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhận định về thị trường vốn thời điểm hiện tại, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nói: Xây dựng, hình thành, phát triển thị trường vốn trong đó có thị trường cổ phiếu, trái phiếu là một quá trình lâu dài với tất cả chiều cạnh cần thiết, để trở thành hàn thử biểu, kênh dẫn vốn của nền kinh tế.
Thị trường vốn Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhanh trong 2-3 năm qua nhưng gần đây gặp những biến động lớn từ cả tác động bên ngoài và những nguyên nhân nội tại.
Ông Thành phân tích, bắt đầu từ năm nay, NHTW các nước trên thế giới bắt đầu thu nhỏ gói hỗ trợ, thắt chặt dần chính sách tiền tệ trước tác động của lạm phát, các vấn đề địa chính trị, căng thẳng xung đột. Mức độ thắt chặt thể hiện qua việc FED và NHTW châu Âu tăng mạnh lãi suất, hay nói cách khác là thời kỳ tiền rẻ đã không còn, chứng khoán không chỉ Việt Nam mà ở các nước đều đi xuống.
Tuy nhiên, riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi còn non trẻ nên tính chuyên nghiệp của đầu tư chưa cao. Vì vậy, trong năm 2020-2021 tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng đến gần đây, giảm thì cũng giảm mạnh hơn rất nhiều nước.
"Khó khăn có thể còn tăng lên khi các vấn đề như đứt gãy chuỗi cung ứng, kinh tế thế giới suy giảm vẫn còn đó. Ngoài ra, dòng vốn có nguy cơ đảo chiều, chảy về các nước phát triển, người tiêu dùng cũng có thể thận trọng hơn. Chưa nói tới, trong nước áp lực lạm phát vẫn còn, cùng với áp lực tỷ giá, lãi suất. Điều đáng lo có thể là chúng ta chưa thể lường trước hết các rủi ro của thế giới và cả Việt Nam", ông Thành nhấn mạnh.
Nguy cơ dòng vốn đầu tư đảo chiều
FED đã tăng 5 lần lãi suất từ đầu năm đến nay, và lần thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,75%/lần. Khi FED tăng lãi suất, USD tăng giá, làm cho đồng tiền các nước suy yếu khiến ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã tham gia cuộc đua tăng lãi suất để rút ngắn khoảng cách với USD.
Tính đến cuối tháng 9/2022, ngân hàng trung ương của 90 nước trên thế giới đã có 278 lần tăng lãi suất. Điều này mang tới lo ngại các dòng vốn dịch chuyển mạnh khỏi các nền kinh tế đang phát triển, đến những nơi an toàn hơn và mang lại lợi ích lớn hơn.
Đợt tăng lãi suất mới đây của FED đã đưa lãi suất cơ bản lên 3-3,25%. Hơn thế, cơ quan này không giấu diếm ý định sẽ nâng lãi suất lên 4,4% vào cuối năm nay.
Ngay sau động thái tăng lãi suất của FED, NHNN Việt Nam đã phải tăng lãi suất điều hành thêm 1% sau hơn 2 năm đứng yên với kỳ vọng làm giảm quy mô can thiệp ngoại hối cần thiết để ổn định VND, tránh ảnh hưởng nguồn dự trữ ngoại hối.
Tại Việt Nam, mỗi lần FED tăng lãi suất đều tạo áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá VND/USD niêm yết tại Vietcombank đã tăng lên mức 24.230 VND/USD vào ngày 14/10, tương đương mức tăng gần 5,7% so với đầu năm.
Việc VND giảm giá sẽ đẩy lạm phát của Việt Nam đi lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cũng lên theo, tỷ giá USD/VND tăng thì nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng gia tăng khi quy đổi theo VND. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ thấy gia tăng rủi ro dù đầu tư trực tiếp hay gián tiếp.
"Trên thực tế, dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam suy giảm so với cùng kỳ, do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi nhìn vào tốc độ phục hồi kinh tế thế giới còn tương đối rủi ro, nên cân nhắc kĩ lưỡng về việc đầu tư ở đâu, thời điểm nào”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định.
Ông Việt cũng cho rằng, việc tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ bất ngờ giảm về 3,5% và tiền lương tiếp tục tăng phát đi tín hiệu rõ ràng rằng FED sẽ tiếp tục nâng mạnh lãi suất vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, dù còn đó những áp lực lớn, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tỷ giá Việt Nam trong thời gian tới như dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với vốn FDI thực hiện vẫn ở mức cao, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu)…
Sẽ có một đợt tăng lãi suất điều hành cuối năm?
Nhiều công ty phân tích đang có chung quan điểm dự báo NHNN có thể tăng thêm 0,5% lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm 2022 để giảm áp lực lên tỷ giá.
"NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6% vào cuối quý I/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020", UOB nhận định.
Quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN, nếu có, sẽ tác động tới nền kinh tế và các chỉ số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư và đằng sau đó là tăng trưởng GDP.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, bên cạnh mục tiêu ổn định vĩ mô, cần giảm thiểu bất lợi cho môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, tìm được điểm cân bằng rất khó, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần được đặt lên hàng đầu.
"Điều hành chính sách tiền tệ vẫn chủ yếu hướng đến lãi suất cho vay trung bình tăng thấp hơn tốc độ tăng lãi suất huy động, vẫn có những giải pháp thúc đẩy để giảm thiểu tác động bất lợi với một số lĩnh vực ưu tiên, đẩy nhanh gói hỗ trợ giảm 2% lãi suất cho vay từ ngân sách", ông Thành nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, NHNN tăng lãi suất điều hành và bơm thanh khoản cho thị trường 2, cũng để tác động lên thị trường 1. Lãi suất trên 2 thị trường đang trong xu hướng tăng. Điều kiện để NHNN tăng lãi suất là khi việc tăng lãi suất ngày 23/9 chưa đủ mạnh để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.
"Nếu đến cuối tháng 10, thống kê cho thấy lạm phát mục tiêu vượt 4% và tỷ giá USD mất giá trên 5,5% thì mới có khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất vào khoảng tháng 11", ông Hiếu nhận định.
Tái cấu trúc hệ thống tài chính còn chậm
TS. Võ Trí Thành cho rằng, vấn đề hiện nay cần được lưu tâm hơn cả là tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã rất cao, trong khi các ngân hàng phải liên tục tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn. Cùng với đó, việc dòng vốn tín dụng chảy vào đâu là vấn đề rất quan trọng thì lại rất khó để kiểm soát.
"Chúng ta không thể cứ mãi tăng trưởng tín dụng trên 10% trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ 6-7%. Mục tiêu đạt chuẩn Basell II năm 2020 của hệ thống ngân hàng đến nay vẫn chưa hoàn thành cho thấy hệ thống tài chính Việt Nam còn rất nhiều vấn đề", ông Thành nói.
Những câu chuyện xảy ra gần đây với thị trường tài chính cho thấy cần thực sự để tâm tới tái cấu trúc hệ thống theo hướng lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn, đòi hỏi các ngân hàng tiếp tục phải tăng vốn, đặc biệt quan tâm tới xử lý các vấn đề liên quan tới nợ xấu, sở hữu chéo.
Ông Thành khuyến nghị, thời gian tới cần lưu ý: Trước mắt linh hoạt nhưng không quên cải cách; xây dựng nền tảng cần vững chãi để thị trường phát triển bền vững, lành mạnh.