Thách thức cho trái sầu riêng
Sự kiện xuất khẩu 20 container sầu riêng chính ngạch đầu tiên đi Trung Quốc là sự kiện đáng mừng nhưng đây cũng là thử thách để sầu riêng chinh phục thị trường đông dân nhất thế giới và mở rộng sang thị trường khác.
Sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng đã tăng gấp rưỡi, từ 50.000 đồng lên khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg.
Cơ hội mở rộng thị trường chính ngạch
Sau những ngày vui với lễ hội sầu riêng và lễ công bố chuyến hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên, ông Trần Văn Chiến, trú buôn Jung (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc), quay về với những vườn sầu riêng để thực hiện nghiêm quy trình canh tác, thu hái.
Trải qua nhiều khó khăn và kiên trì với giống sầu riêng Dona hơn 18 năm nay, ông Chiến cho biết rất vui mừng vì những trái sầu riêng do chính ông chăm sóc được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Ngoài nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang tập trung mọi nguồn lực để có thêm nhiều diện tích sầu riêng được "cấp visa chính ngạch" sang Trung Quốc. Ông Lê Minh Tâm, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk), cho biết tiếp tục liên kết với các hộ dân và hợp tác xã để triển khai mã số vùng trồng.
"Năm 2021, công ty đã thiết lập được 33 mã số vùng trồng cho hơn 1.000ha gửi sang Trung Quốc đánh giá. Năm 2022, công ty tiếp tục liên kết với 20 hợp tác xã trong tỉnh và thiết lập được 3.000ha mã số vùng trồng (trong đó hồ sơ hoàn thiện là 2.500ha). Ngoài ra, công ty có 17 cơ sở đóng gói từ Tiền Giang đến Tây Nguyên để sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch", ông Tâm thông tin.
Ông Y Giang Gry Knơng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết thêm toàn tỉnh có khoảng 15.100ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích cả nước, sản lượng thu hoạch năm 2022 ước khoảng 150.000 tấn, dự kiến năm 2025 là 300.000 tấn. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai rất thích hợp, sầu riêng ở Đắk Lắk được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như hương vị đặc trưng ít nơi nào có được và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, định hướng của tỉnh là không phát triển rộng về diện tích mà tăng cường nâng cao hiệu quả canh tác, nâng chất lượng để tiếp cận nhiều thị trường.
Còn quá nhiều thách thức
Cũng theo ông Y Giang Gry Knơng, toàn tỉnh có hơn 15.000ha sầu riêng nhưng mới được phía đối tác cấp mã vùng trồng cho 1.500ha. Đó là con số quá nhỏ.
Trong đợt đánh giá toàn diện vừa qua (cả nước có 76 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói được đối tác phê duyệt - PV), có hàng chục vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Đơn cử Hợp tác xã trái cây Krông Pắc gửi tới 25 bộ hồ sơ cho tổng diện tích 630ha nhưng chỉ có 16 bộ hồ sơ được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Nguyên nhân dẫn đến việc này, theo ông Võ Thanh Toàn - cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã trái cây Krông Pắc, là do một số bà con chưa nhìn nhận đúng các lợi ích khi xây dựng mã số vùng trồng. "Nhiều người dân chưa chú trọng việc ghi chép nhật ký canh tác", ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Hoài Dương - giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - phân tích thêm, bên cạnh thiếu sót về quy trình sản xuất, phía đối tác Trung Quốc cũng khuyến cáo về việc một số vùng trồng còn lẫn các loại cây khác, có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo sâu bệnh. "Vệ sinh môi trường một số nhà xưởng còn chưa đạt. Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số nơi còn lơ là", ông Dương nói.
Nói về cơ hội và thách thức, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp thu được lợi nhuận cao hơn. Bộ trưởng nhấn mạnh lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không phải là đích đến cuối cùng mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm với tất cả các khâu và các quy trình đều được chuẩn hóa.
Số liệu tham khảo nhà vườn, thương lái
Tiềm năng thị trường 4 tỉ USD
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cả nước mới có gần 3.000ha, 68.000 tấn sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Trong khi đó, tổng diện tích sầu riêng cả nước lên đến 90.000ha với sản lượng hằng năm khoảng 1,3 triệu tấn quả.
Còn theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc là một trong số ít thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu hằng năm 4 tỉ USD. Trước khi ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc (11-7), Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sầu riêng sang thị trường này nhưng số lượng không nhiều.
Để xuất khẩu chính ngạch, mỗi quả sầu riêng phải được dán tem truy xuất nguồn gốc, không thể sử dụng chất bảo quản nên phải bảo quản và vận chuyển trong phòng, container lạnh.
Nếu như trước đây sầu riêng xuất tiểu ngạch phải đi đường biên mậu mất nhiều ngày và rủi ro cao thì nay các container vận chuyển sầu riêng chỉ mất hai ngày đường bộ để có thể đến cửa khẩu Hữu Nghị. Điều này mở ra cơ hội thâm nhập sâu và rộng hơn cho trái sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung vào thị trường Trung Quốc.