Thác đẹp bị băm nát mới đề nghị quy hoạch làm điểm du lịch
Sau khi để xảy ra việc san đồi, xẻ núi để chiếm thác, nhiều cơ quan báo chí phản ánh thì UBND phường Nghĩa Tân (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) mới đề xuất cấp trên quy hoạch khu vực này thành điểm du lịch vì ‘rất có tiềm năng’…
Liên quan đến vụ băm đồi xẻ núi , chiều 26-4, lãnh đạo UBND phường Nghĩa Tân xác nhận đã có báo cáo gửi UBND TP Gia Nghĩa để xử lý theo thẩm quyền.
Theo UBND phường Nghĩa Tân, khu vực thác Cá Sấu (tổ dân phố 6) có hai nơi bị san đồi, chiếm thác là thác trên và thác dưới.
Bên trên khu vực thác trên, bà Nguyễn Thị Hoa nhận sang nhượng từ người dân miếng đất diện tích 0,8ha, có giấy chứng nhận là đất trồng cây lâu năm. Sau khi nhận sang nhượng, ông Nguyễn Văn Vũ (chồng bà Hoa) san gạt, hạ độ cao, xây hàng rào, trồng cây xanh quanh thác.
Khi phát hiện hành vi san gạt, UBND phường yêu cầu ông Vũ ngừng thi công và ngày 4-1-2021 ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 20 triệu đồng.
Cũng tại khu vực thác, bà Nguyễn Thị Ngọc (52 tuổi, chị của ông Vũ) nhận sang nhượng đất trồng cây lâu năm diện tích 4,6ha từ người dân. Tại đây bà Ngọc cũng san gạt, hạ độ cao nên ngày 28-4-2021 bị UBND phường Nghĩa Tân xử phạt vi phạm hành chính hành vi san lấp mặt bằng, làm biến dạng địa hình với số tiền 20 triệu đồng.
Đến ngày 1-9-2021, phát hiện bà Ngọc tiếp tục san lấp mặt bằng thửa đất liền kề, phường lại xử phạt thêm 5 triệu đồng cùng hành vi.
Về việc mới đây, chị em ông Vũ chưa xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã cho xây thêm nhiều hạng mục, lãnh đạo UBND phường Nghĩa Tân cho biết "họ đang làm thủ tục’.
Theo UBND phường Nghĩa Tân, so với thời điểm bị xử phạt hành chính, hiện trạng không có thay đổi lớn, không xây dựng công trình kiên cố, ngăn dòng chảy… Tuy nhiên chủ đất có đổ một số đoạn đường bê tông, xây trụ sắt để trồng hoa, trồng xây xanh. Về yêu cầu "khôi phục hiện trạng", chủ đất chưa thực hiện, trong báo cáo không thể hiện.
"Hiện nay, phường Nghĩa Tân đang phối hợp cơ quan chuyên môn, tham mưu UBND TP Gia Nghĩa xử lý đến kết quả cuối cùng", lãnh đạo UBND phường Nghĩa Tân cho biết.
Cũng theo UBND phường Nghĩa Tân, trên địa bàn có nhiều thác đẹp, tập trung tại các tổ dân phố 4, 5, 6 và giao thông rất thuận lợi. Cụm thác lại nằm ở khu vực trung tâm thành phố nên có tiềm năng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ.
Những khu vực thác này nằm ở nơi đồi dốc, nếu quy hoạch đất trồng cây lâu năm thì giá trị kinh tế không cao.
"Vì vậy, UBND phường Nghĩa Tân đề nghị UBND TP Gia Nghĩa cùng với cơ quan chuyên môn khảo sát tổng thể đưa cụm thác vào quy hoạch đất thương mại, dịch vụ, du lịch. Qua đó có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhằm phát huy thế mạnh địa phương, hạn chế để tình trạng người dân tự phát, manh mún, chính quyền không thể kiểm soát được", lãnh đạo UBND phường Nghĩa Tân đề nghị.
Theo tìm hiểu, ngày 7-4, báo Tuổi Trẻ Online đăng bài "Ngang nhiên băm đồi, xẻ núi để… săn view", trong đó có nêu thực trạng tại thác Cá Sấu.
Đến ngày 8-4, ông Nguyễn Văn Vũ mới có đơn đề nghị thẩm định nhu cầu sử dụng đất (đất thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng - PV) gửi Sở Tài nguyên và môi trường Đắk Nông trên tổng diện tích 4,6ha.
Cùng ngày, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Lodge (ông Vũ làm giám đốc) và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đắk Nông Lodge (bà Ngọc làm giám đốc) gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và đầu tư Đắk Nông xin quyết định chủ trương đầu tư dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Lodge (bên thác Cá Sấu - PV) với tổng vốn đầu tư hơn 225 tỉ đồng, kéo dài trong 50 năm.
Dự án bắt đầu xây dựng từ quý 1-2022 và hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào quý 2-2023, hoàn thiện dự án vào quý 1-2027.
Ông Phạm Xuân Bính, phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, xác nhận do chưa có bất cứ cấp thẩm quyền nào cho phép, khu vực này cũng chưa thực hiện việc bán vé thu tiền nên địa phương đang xử lý các hành vi vi phạm đất đai theo nghị định 91.
Theo đó, mọi hành vi san lấp, xây dựng kè, đường bê tông quanh thác Cá Sấu trên đất trồng cây lâu năm đều hoàn toàn trái phép.
UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quy định xử lý về nạn san đồi xẻ núi nhằm mục đích phân lô bán nền, làm khu nghỉ dưỡng, xây nhà, nhưng nạn san lấp, xẻ núi băm đồi vẫn tiếp tục diễn ra.