Tha thứ cho người khác vì bạn xứng đáng được thanh thản
Có một triết gia từng nói: “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà bởi vì bạn xứng đáng được thanh thản.” Khi biết buông bỏ và tha thứ, tâm trí của bạn sẽ trở nên rộng mở, không bị hạn cuộc trong hận thù. Khi đó bạn sẽ cảm thấy có rất nhiều điều đáng để bạn quan tâm và cũng sẽ làm được nhiều việc ý nghĩa hơn.
Chuyện kể rằng có một vị quân vương khi còn là công tử từng phải lưu lạc xứ người nhiều lần trước khi trở về với vương vị. Mỗi khi cận kề cái chết, ông lại nghĩ rằng một ngày nào đó ông chắc chắn sẽ trừng phạt những kẻ đã bắt ông phải sống trong thấp thỏm, bắt họ phải chịu đựng những đau khổ tương tự. Tuy nhiên một điều đặc biệt đã khiến ông thay đổi suy nghĩ.
Ngày nọ, khi đang ở gần một ngôi làng, đột nhiên đoàn người của ông gặp thích khách. Người lính hầu cận nhanh nhạy đã dùng thân cứu được ông, nhưng mũi tên đã cướp đi mạng sống của anh ta. Sau đó công tử tìm hiểu và biết được rằng thích khách kỳ thực là một người trong làng, hơn nữa còn là hàng xóm của người lính hầu đã khuất.
Nhiều năm sau, vị công tử một lần nữa đến thăm ngôi làng. Ông bắt gặp một cảnh đặc biệt, khi mẹ của người lính hầu năm xưa tặng đồ ăn cho mẹ của thích khách. Công tử hỏi tại sao, và người mẹ ấy trả lời rằng: “Sau sự việc đó, cậu ấy đã bỏ trốn, bặt vô âm tín. Mẹ của cậu ấy đang bị bệnh, lại phải sống trong cảnh nghèo khổ không còn gì để ăn…”
Công tử không nhịn được bèn nhắc: “Nhưng con trai bà ta đã giết con trai bà!”
Câu trả lời của người mẹ đã khiến vị công tử phải im lặng: “Tất cả đã qua rồi. Lấy oán báo oán, lấy thù trả thù, chỉ khiến hận thù tăng thêm mà thôi.”
Những lời của người mẹ đã để lại cho vị công tử một bài học sâu sắc. Quốc gia của ông vì các công tử và gia tộc tranh giành vương vị mà dẫn đến cảnh loạn lạc, hơn bao giờ hết sự tha thứ cần thiết hơn là lòng hận thù.
Kể từ đó, vị công tử đã học cách tha thứ cho những kẻ thù cũ và nhận được sự cảm thông và ủng hộ từ các quan khanh và gia tộc. Ông đã tạo ra tương lai của chính mình bằng cách tha thứ và đối xử tốt với mọi người, dù đó là kẻ thù. Đây chính là sức mạnh của sự thiện lương.
Trong lịch sử có rất nhiều trường hợp tương tự. Tề Hoàn Công có thể tha thứ cho việc Quản Trọng suýt giết chết mình mà trọng dụng nhân tài, từ đó xưng bá chư hầu. Lận Tương Như không hận tướng quân Liêm Pha nhục mạ mình, lại còn dĩ hòa vi quý, nước Triệu nhờ vậy mà đứng vững. Hàn Tín chui háng kẻ vô lại, nhưng khi làm đại tướng quân lại ban thưởng cho kẻ ấy, nói rằng nhờ vậy mà ông rèn được nội tâm đại Nhẫn.
Một người khoan dung biết tha thứ cho người khác sẽ phát xuất ra ánh hào quang của bao dung và tường hòa. Ánh hào quang ấy chiếu sáng những người xung quanh và chính bản thân họ. Khi một người thực sự tha thứ, không oán không hận, người ấy sẽ có thể cảm nhận được sự thanh thản từ đáy lòng. Họ sẽ được ban phúc lành và con đường sẽ trải dài trước mắt. Ngược lại, một người tâm đầy thù hận sẽ không bao giờ thiện đãi người khác, họ bị chôn sâu trong nhà tù của oán trách do chính mình tạo nên. Ngọn lửa hận thù sẽ khiến họ mất lý trí, giống một thanh gươm tẩm độc, không những làm người khác bị thương, mà còn làm hại chính chủ nhân của nó.
Tiểu Minh
Làm người thiện lương, dù phúc chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa
Mời xem video :