Thả chó dữ cắn người để giải quyết mâu thuẫn, bị xử lý ra sao?

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 13:13:35

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước vụ một người đàn ông ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) thả chó dữ cắn người mâu thuẫn với mình. Vậy hành vi này có thể bị xử lý như thế nào?

Chó pitbull - Ảnh minh họa


Theo luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM), n hững loài chó nguy hiểm như pitbull, becgie… có khả năng tấn công gây thương tích hoặc thậm chí gây chết người. Do đó chủ vật nuôi phải có ý thức quản lý chặt chẽ, hành vi thả chó và "chỉ đạo" chó tấn công người khác là đặc biệt nguy hiểm, cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.


Ở góc độ pháp lý thì hành vi thả chó để tấn công người khác, tùy vào động cơ và mục đích phạm tội có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự hoặc tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự.


Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản hướng dẫn không định nghĩa chó dữ là “hung khí nguy hiểm”. Tuy nhiên thực tế cho thấy pitbull, becgie... là những loài chó dữ, nếu thả ra không rọ mõm có thể cắn người, gây thương tích hoặc chết người. Thậm chí trước đây đã xảy ra rất nhiều vụ việc người bị chó dữ cắn chết.


Vì vậy việc không rọ mõm, lùa chó dữ sang nhà hàng xóm dẫn đến việc người này bị chó cắn thương tích là hành vi cố ý, tùy theo tính chất mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự.


Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, chủ chó còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác theo điều 603 Bộ luật dân sự 2015.

Ngày 12-7, Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết đội điều tra tổng hợp của công an quận đang điều tra vụ đánh nhau và thả chó dữ tấn công người xảy ra tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).

Chia sẻ Facebook