Tết thiếu nhi, cha mẹ Hàn Quốc thay vì tặng đồ chơi cho con thì thường hỏi 'con thích mua cổ phiếu nào?'
Phụ huynh Hàn Quốc quan niệm trẻ con nên tham gia thị trường chứng khoán từ sớm để hình thành tư duy tài chính.
Chị Song Jin-woo vừa chia sẻ với tờ Newasia rằng chị đã mua tặng con trai lượng cổ phiếu trị giá một triệu won (tương đương 20 triệu đồng) vào ngày sinh nhật.
"Những ngày đặc biệt như Tết thiếu nhi, tôi cũng mua cổ phiếu của Samsung Electronics cho con. Tôi đang phân vân không biết có nên chuyển sang mua của Naver hay Kakao không".
Giống chị Song, anh Park Mo, 29 tuổi, cũng đang dự định tặng cổ phiếu hoặc các sản phẩm tài chính cho cháu trai nhân ngày 5/5 – Ngày Tết thiếu nhi truyền thống ở Hàn Quốc.
"Giáo dục đầu tư cần được bắt đầu bằng niềm tin càng sớm càng tốt. Năm ngoái, tôi mua tặng cháu con robot mà cháu thích với giá hơn 110.000 won", anh chia sẻ.
Chị Song và anh Park chỉ là 2 trong số rất nhiều những bậc phụ huynh tại xứ sở kim chi quan niệm trẻ con nên tham gia thị trường chứng khoán từ sớm để hình thành tư duy tài chính và tích luỹ tiền bạc cho sau này. Chính vì vậy, thay vì mua những món đồ chơi như búp bê hay robot, họ thường hỏi con thích mua cổ phiếu gì, yêu công ty gì để xây dựng thói quen tích tiểu thành đại.
Bắt kịp mong muốn này, nhiều công ty chứng khoán đã cung cấp dịch vụ "cổ phiếu quà tặng" để các bố các mẹ mừng Tết thiếu nhi cho con. Các món quà sẽ có mệnh giá khác nhau, tuỳ theo điều kiện tài chính của mỗi gia đình.
Thực tế, trẻ dưới 19 tuổi tại Hàn Quốc bắt buộc phải đến công ty chứng khoán hoặc ngân hàng cùng cha mẹ hay người đại diện theo pháp luật để mở tài khoản. Do vậy, để thuận tiện, nhiều phụ huynh lựa chọn mua phiếu quà tặng thay vì cổ phiếu riêng lẻ.
Chẳng hạn như công ty Hanwha Investment & Securities đang tổ chức sự kiện Gift Stock Gift for My Child với khoản trợ cấp đầu tư lên tới 30.000 won nếu phụ huynh gửi tiền hoặc giao dịch hơn một triệu won cổ phiếu trong nước trước ngày 31/5.
"Đừng nuôi dạy con cái trở thành người làm công ăn lương mà phải làm chủ, dạy con về tiền bạc là cách thông minh" – Quan niệm được trích dẫn trong cuốn sách của Giám đốc công ty quản lý Meritz Asset John Lee đã khơi nguồn ý tưởng mua cổ phiếu của các bố mẹ. Tư duy này ngày càng trở nên phổ biến, nhất là sau dịch COVID-19, khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, còn cha mẹ thì lo con mình sau này không có tài sản đảm bảo.
Theo ông Seok-hyeon Park, Phó giám đốc Bộ phận Chiến lược Sản phẩm Đầu tư tại Ngân hàng Woori, đây chính là cách khuyến khích trẻ quan tâm nhiều hơn tới tương lai thông qua việc lựa chọn cổ phiếu, từ đó xây dựng kiến thức tốt hơn về đầu tư.
Dẫu vậy, một bộ phận các chuyên gia khác lại cho rằng cách giáo dục này còn tồn đọng nhiều bất cập. Nếu sai cách, trẻ rất dễ nảy sinh tính ích kỷ và thực dụng.
Trước đó hồi tháng ba, báo chí Hàn Quốc cũng đưa tin về một cậu bé 11 tuổi tên Kim Do-hyeon tham dự đại hội cổ đông lần thứ 53 của Samsung Electronics. Khi được phóng viên hỏi làm thế nào để tham dự sự kiện này, Kim cho biết cậu được mời đến.
Em chia sẻ mình đang giữ 2 cổ phiếu Samsung với giá trị 139.000 won (tức khoảng 2,6 triệu đồng) và hy vọng chúng có thể tiếp tục sinh lời trong tương lai.
Sau khi hình ảnh Kim trả lời phỏng vấn xuất hiện trên SBS, nhiều người đã bày tỏ sự thích thú. "Dù chỉ sở hữu lượng cổ phiếu khiêm tốn nhưng cậu bé cho thấy mình là người có tư duy kiếm tiền từ nhỏ", một người bình luận.
Theo: Newasia
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế