Tết này, đã có ý tưởng sắm cho con kẹp tóc, cài áo có QR Code để nhận lì xì: Chuyển đổi số là đây chứ đâu!
Hiện nay, trên nền tảng thương mại điện tử Shopee đã xuất hiện các mặt hàng kẹp tóc, cài áo, vòng cổ, móc khoá có in hình QR Code.
Với sự phát triển của công nghệ, các hình thức thanh toán hiện đại ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống người dùng, đặc biệt là hình thức nhanh chóng tiện dụng như QR Code thậm chí còn thâm nhập vào những giao dịch hàng ngày, có giá trị nhỏ như trả tiền mua mớ rau, uống cốc trà đá...
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR tăng 86%.
Nói về lợi thế của thanh toán QR, một lãnh đạo trong ngành chia sẻ: “Trong đường đua thanh toán điện tử, thanh toán QR đang bứt tốc rất nhanh. Một trong những nguyên nhân giúp QR ngày càng phổ biến là vì chi phí đầu tư cho hình thức thanh toán này rất rẻ và triển khai nhanh chóng. So với thanh toán bằng thẻ ngân hàng cần đầu tư thiết bị, cấu hình kỹ thuật và được các tổ chức tài chính kiểm định, thanh toán QR không cần máy móc chuyên biệt do giao tiếp thanh toán bằng hình ảnh".
Vì đầu tư rẻ, triển khai nhanh, QR đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí nhất định. Có thể thấy rõ nhất sự thành công của hình thức thanh toán này ở Trung Quốc, nơi QR dần thay thế hầu hết các phương thức truyền thống.
Cách đây 7-8 năm, tiền mặt từng là hình thức giao dịch phổ biến nhất ở Trung Quốc. Nhưng giờ kể từ khi các nền tảng thanh toán như Wechat Pay và Alipay xuất hiện, khi đi ăn ngoài hay mua sắm với bạn bè, người Trung Quốc chỉ cần quét mã QR trên bàn ăn, hoặc đưa mã QR cá nhân trên smartphone của mình cho nhân viên thu ngân là có thể thanh toán.
Hiện hai nền tảng này đang giữ thị phần chi phối trong lĩnh vực thanh toán điện tử ở Trung Quốc. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, ứng dụng Alipay của Tập đoàn Alibaba chiếm 55% thị phần thanh toán di động của Trung Quốc, trong khi WeChat Pay của Tập đoàn Tencent chiếm 39%.
Tổng cộng, hai nền tảng thanh toán điện tử này đã kiểm soát hơn 90% thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc, trị giá ước tính khoảng 300.000 tỷ CNY (tương đương 47.505 tỷ USD) trong năm 2021.
Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của thanh toán QR trong xã hội, nhiều đơn vị fintech, trung gian thanh toán tại Việt Nam cũng đã phát triển các giải pháp thanh toán mới trên công nghệ mã QR. Các ứng dụng ngân hàng số của những ngân hàng lớn tại Việt Nam cũng đều đã đáp ứng tính năng chuyển khoản thanh toán bằng mã QR.
Theo thống kê, các giao dịch thanh toán có giá trị nhỏ chủ yếu đến từ QR ví điện tử. Còn với giá trị giao dịch từ vài triệu đồng, người dân thường sử dụng QR từ ứng dụng mobile banking của ngân hàng.
Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone, trong đó 73,5% là người trưởng thành. Tính đến tháng 9, Việt Nam có hơn 81,8 triệu thuê bao Internet di động. Đây là cơ sở để thanh toán QR có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.