Tết đến Xuân về lấp lánh tranh Đông Hồ giấy Điệp

Chia sẻ Facebook
26/01/2023 19:46:51

Mỗi bức tranh Đông Hồ được chọn không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà mà còn là sự gửi gắm ước mong của gia chủ trong năm mới...


Từ xưa, tục chơi tranh được nhắc tới là một trong bốn thú chơi tao nhã của người Việt: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc.” Mỗi dịp Xuân về, người chơi tranh lại càng náo nức, khiến những ngày Tết thêm rộn ràng, đầm ấm. Mỗi bức tranh được chọn không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà mà còn là sự gửi gắm ước mong của gia chủ trong năm mới. Trong các dòng tranh chơi Tết, nổi tiếng nhất là tranh Đông Hồ.

Thấy tranh Đông Hồ là thấy Tết. (Ảnh: Egui, Flickr, CC BY-NC 2.0)


Làng Đông Hồ (nay gọi là Đông Khê, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có nghề làm tranh đã hơn 500 năm. Trước kia, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, người người từ các miền ngược xuôi lại đổ về làng Đông Hồ nhộn nhịp mua tranh:


“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh.”

Nhắc đến tranh Đông Hồ là nhắc đến dòng tranh với các chất liệu đặc biệt.

Tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ. Để tạo nên một bức tranh hoàn thiện, nghệ nhân sáng tác sẽ vẽ mẫu trước tiên. Các mẫu này được nghệ nhân cắt ván chiểu theo và khắc các bản gỗ ván in nét đen và ván in màu. Các bản ván in đi cùng với nhau tạo thành một bộ, bức tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu ván in. Với tranh bộ, mỗi bộ có bốn bức, mỗi bức có ba, bốn màu, nên mỗi bộ tranh có thể có đến 16 ván.


Tranh Đông Hồ thường có 3 – 5 màu chính (gọi là thuốc cái ), được tạo ra từ các sản vật có trong tự nhiên. Sắc vàng được chế từ hoa hoè hoặc hoa dành dành; Màu đỏ vang lấy từ gỗ cây vang, màu đỏ son lấy từ bột sỏi son; Màu xanh chàm từ lá chàm; Màu đen từ than lá tre khô.

Bộ ván in bức vẽ “Hứng dừa” (Ảnh: Steven Daiber, Flickr, CC BY-NC-ND 2.0)

Tranh Đông Hồ sử dụng giấy Dó, là loại giấy được sản xuất từ vỏ của những cây dó theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ. Giấy Dó có ưu điểm nổi bật nhất là độ bền theo thời gian, xốp, nhẹ, dễ bắt màu, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt hay giòn gãy, ẩm nát.


Giấy Dó được sử dụng làm giấy Điệp cho tranh Đông Hồ – một trong những nét tinh hoa làm nên cái “hồn” của dòng tranh. Để làm giấy Điệp, người làm tranh tán nhỏ vỏ con điệp (một loại vỏ sò mỏng ở biển), sau đó trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ hoặc gạo nếp) rồi quét lên mặt giấy Dó bằng chổi lá thông (gọi là Thét ).

Thét khi quét điệp lên mặt giấy Dó tạo nên màu nền với những đường vân dài, trắng sáng lấp lánh. Người nghệ nhân sẽ quẩy các màu in tranh với hồ nếp một cách khéo léo, đảm bảo đủ độ để màu bắt ván in và không làm bong điệp. Các sắc màu mộc mạc này, trên nền giấy Điệp, trở nên sáng trong, óng ánh.


Thấy tranh Đông Hồ là thấy Tết, không phải chỉ bởi những sắc màu rộn ràng mà còn bởi những nét vẽ gợi không khí tưng bừng, rộn rã của ngày xuân qua những trò Đánh đu, Múa lân, Múa rồng, Đánh vật, Chọi chim…

(Tranh dân gian, Public Domain)


Đề tài trong tranh Đông Hồ rất phong phú nhưng phổ biến nhất là phân loại tranh theo năm nhóm: Tranh tâm linh (bộ Ngũ sự, Vũ Đinh – Thiên Ất, Thổ công – Táo quân…); Tranh lịch sử (tranh Thánh Gióng, Vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng, Bà Trưng Bà Triệu cưỡi voi…); Truyện tranh (Truyện Kiều, Thạch Sanh, Lục Vân Tiên…); Tranh chúc tụng ; Tranh sinh hoạt (các bức Hứng dừa, Đánh ghen, Mục đồng thổi sáo, Đám cưới chuột…)


Tranh có đề tài chúc tụng là phổ biến nhất với các bức vẽ gà, lợn (heo), Tiến Tài – Tiến Lộc , Vinh quy bái tổ , Ông Tơ – Bà Nguyệt , các bộ tranh tứ quý… được người Việt rất yêu thích.


Khi nhắc tới tranh dân gian vẽ con lợn, người ta luôn nghĩ đến các bức tranh Đông Hồ với bức Lợn ăn lá dáy, Lợn độc, Lợn đàn .


Theo quan niệm của người vẽ tranh Đông Hồ, con lợn tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Trong các bức vẽ, trên thân mỗi con đều được nghệ nhân vẽ thêm xoáy âm dương thể hiện sự sinh sôi, nảy nở. Tranh Lợn đàn được treo nhiều trong ngày Tết để ước mong cho một năm mới thịnh vượng, phát tài phát lộc, đông con nhiều cháu.

(Tranh dân gian, Public Domain)


Một trong những loại tranh chúc tụng ngày xuân được nhiều người mua nhất là bộ Vinh hoa – Phú quý – Lễ trí – Nhân nghĩa , gồm bốn bức, chia thành hai cặp trai – gái.

(Tranh dân gian, Public Domain)


Tranh Vinh hoa là hình ảnh một bé trai bầu bĩnh ôm gà, bên cạnh là bông hoa cúc. Con gà, theo dân gian, có đủ đức hạnh của người quân tử là: nhân, nghĩa, tín, dũng, văn võ song toàn. Bởi vậy, bức tranh thể hiện ước mong những điều tốt đẹp, sức sống tràn đầy, vinh hiển sẽ đến với trẻ nhỏ và gia đình trong năm mới.


Tranh Phú quý là hình ảnh bé gái ôm vịt với mong ước con gái dịu hiền, duyên dáng, cùng với bông sen tượng trưng cho sự trong trắng, thanh cao.

(Tranh dân gian, Public Domain)


Tranh Lễ trí là hình ảnh bé gái ôm rùa, có ngụ ý cầu chúc trẻ nhỏ mạnh khoẻ, sống lâu, có được cái “Lễ” (lễ nghĩa, lễ phép) và cái “Trí” (trí tuệ), giỏi giang sau này. Bức tranh còn được gọi bằng một tên dân dã khác là Gái sắc bế rùa xanh .


Đối với bức Gái sắc bế rùa xanh là bức Trai tài ôm cóc tía , vẽ hình một bé trai ôm con cóc. Bức tranh được viết chữ Nhân nghĩa , là lời cầu chúc cho trẻ có được cái “Nhân” , cái “Nghĩa” , có lòng chính trực như con cóc tía dám lên trời để đòi mưa cho dân làng trong chuyện cổ tích xưa.


Tranh Đông Hồ cũng có các bộ tranh tứ quý. Trong đó, bộ tứ quý Vịt – Sen là lời chúc cho vợ chồng trăm năm hạnh phúc, cuộc sống sung túc, con cháu vui vầy. Bộ tranh là câu chuyện tình cảm vợ chồng thuỷ chung son sắc của Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân cùng người vợ mang tên Cúc Hoa trong truyện thơ Nôm khuyết danh nổi tiếng “Tống Trân – Cúc Hoa” , ra đời khoảng từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.

(Tranh dân gian, Public Domain)

Bức tranh đầu tiên là hình ảnh đôi chim bên khóm trúc bay lượn, quấn quýt bên nhau như hình ảnh của những đôi vợ chồng son.

Truyện kể rằng Tống Trân xuất thân từ nghèo khó, mồ côi cha từ khi lên ba. Trong một lần dẫn mẹ già đi xin ăn, gặp Cúc Hoa là con gái của gia đình giàu có. Cúc Hoa đem lòng yêu mến Tống Trân vì tài đối đáp lanh lẹ, thông minh, đã xin cha mẹ cho nàng cùng Tống Trân nên duyên vợ chồng nhưng bị cha mẹ chối từ, đuổi nàng ra khỏi nhà. Cúc Hoa đi theo Tống Trân và làm vợ của người. Từ đó, Cúc Hoa phụng dưỡng mẹ già, nuôi chồng đi thi khoa cử.

Bức thứ hai là hình ảnh cặp Vịt – Sen, ngụ ý nói lên sự thông đạt trong thi cử, thành danh. Lúc này, Tống Trân đã đỗ Trạng Nguyên, được nhà vua yêu quý và có ý muốn gả công chúa cho chàng. Tống Trân từ chối vì đã có người vợ Cúc Hoa gắn bó, sẻ chia. Bị Tống Trân từ chối, công chúa ấm ức và muốn cha cho chàng đi sứ bên nước Tần (Trung Quốc). Nhờ tài ba, Tống Trân vượt qua nhiều thử thách khiến vua Tần mến phục và có ý muốn gả công chúa cho, nhưng Tống Trân xin chối từ.

(Tranh dân gian, Public Domain)


Bức tranh thứ ba là hình ảnh hoa cúc đại diện cho mùa thu. Cúc là loài hoa tượng trưng cho sự trường thọ, cao thượng, phúc lộc dồi dào. Hoa cúc còn là loài hoa: “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (tức lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân dù có héo quắt), ngụ ý cho lòng thuỷ chung chờ chồng của Cúc Hoa dành cho Tống Trân. Hình ảnh đôi chim phượng không cùng cành thể hiện sự chia xa, ngăn cách.

Phụng dưỡng mẹ già suốt bảy năm chờ chồng đi sứ mãi không về, Cúc Hoa bị cha mình ép gả cho một người khác, nàng định thủ tiết quyên sinh. Thần Sơn Tinh thấu rõ tình cảnh, hoá phép mang thư của Cúc Hoa cho chồng. Đúng ngày cha Cúc Hoa mở tiệc cưới linh đình, Tống Trân kịp trở về đón nàng. Mẹ con, vợ chồng được đoàn tụ, cũng chính là ý nghĩa của bức tranh thứ tư trong bộ tứ quý: đàn gà bên hoa hồng.

Hoa hồng là loài hoa nở bốn mùa biểu trưng cho sự sung túc, ấm cúng. Hình ảnh gà trống, gà mái và đàn con đang kiếm ăn bên cây hoa hồng tượng trưng cho một gia đình sum vầy, hạnh phúc, mãi bên nhau sau nhiều thăng trầm của cuộc sống.

Xuyên thời gian, tranh Đông Hồ lưu giữ tinh hoa văn hoá Việt

Các bức tranh Đông Hồ với hình ảnh những con vật, cảnh sinh hoạt gần gũi, bình dị, với nét vẽ phóng khoáng là lời chúc phúc những gì tốt đẹp nhất cho một năm mới bình an và những thông điệp nhân văn đầy sắc màu.

Trải qua bao biến cố lịch sử, mỗi bức tranh Đông Hồ ra đời vẫn mang những ước nguyện tốt đẹp từ thưở xưa nhưng nay còn mang nhiều tâm sự của nghệ nhân khi cuộc sống hiện đại khiến người Việt xa dần và quên đi những giá trị văn hoá truyền thống.

Nhiều năm trước, khi những người đến mua tranh về treo, hầu như chỉ còn lại những cụ ông, cụ bà… hay những người tầng lớp trí thức cao đi du học mang tranh đi tặng ở nước ngoài… người làm tranh Đông Hồ không khỏi chạnh lòng và khắc khoải về sự mai một của dòng tranh.

Xứ tranh năm nào không còn rộn ràng không khí lễ hội và ngập tràn sắc màu trên những trang giấy Dó được phơi khắp từ sân nhà, nóc bếp, đến sân đình, đường làng, hay dọc theo triền đê như xưa nhưng tranh Đông Hồ vẫn có sức sống âm ỉ bởi cái tâm và niềm đam mê của người làm tranh, cùng với ước nguyện của những người âm thầm đi tìm cái đẹp trong dòng tranh của dân tộc.

Không còn chỉ là thú vui tao nhã treo tranh vào dịp Tết, tranh Đông Hồ giờ đây được người Việt gửi tặng tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp như những món quà vào dịp cưới hỏi, thi cử, đỗ đạt, khởi đầu kinh doanh, thăng tiến trong công việc…

Bên cạnh những tờ tranh dán tường như khi xưa, tranh Đông Hồ ngày nay được đóng khung tre hay tranh bồi lụa là sự hoà hợp giữa truyền thống và hiện đại, để những người con đất Việt, dù đang ở phương xa, hay bạn bè quốc tế, có thể mang những câu chuyện lịch sử, văn hoá của người Việt đi xa hơn. Bởi thế, thấy tranh Đông Hồ không chỉ là thấy Tết mà còn là thấy tinh hoa văn hoá Việt. Tranh, không chỉ là gia bảo của người làng Đông Hồ mà là quốc bảo của người Việt.


Lam Ngọc

Lễ Tiến Xuân – Nghênh Xuân dưới triều Nguyễn


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook