Tên lửa SpaceX có thể sẽ "ship" những tòa nhà này lên sao Hỏa trong tương lai

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 14:01:33

Tương lai con người có thể sẽ sống trong một tòa nhà như thế này ở sao Hỏa.

Các học sinh tại Institut auf dem Rosenberg (Viện Rosenberg) đã nghiên cứu trong nhiều năm để tạo ra một nguyên mẫu nhà cho các phi hành gia tương lai, tòa nhà này được thiết kế để có thể nằm gọn trong tên lửa Starship của SpaceX và vận chuyển ra ngoài Trái Đất. Tòa nhà Rosenberg Space Habitat đang được trưng bày trong khuôn viên của viện.

Tác phẩm với cấu trúc truyền ánh sáng được tạo ra với sự hợp tác của công ty kiến trúc Đan Mạch SAGA Space Architects. Tòa nhà ba tầng bao gồm nhiều tiện nghi cho phi hành gia làm việc và thư giãn.

Trong những năm tới, các nhóm học sinh sẽ hoàn thiện chức năng trong tòa nhà. Viện Rosenberg cho biết đây là công trình cấu trúc polyme được in 3D cao nhất thế giới, ở độ cao 7 mét.

Tòa nhà Rosenberg Space Habitat mất hai năm để hoàn tất. Các đối tác của viện đã hỗ trợ vật liệu, với lớp vỏ ngoài in 3D được tạo ra ở Milan và cấu trúc bên trong được làm ở Copenhagen.

Sử dụng polyme trong in 3D là một lựa chọn có chủ ý, vì nó cung cấp tính linh hoạt hơn bê tông thường được sử dụng trong hầu hết các cấu trúc in 3D. Với dự đoán về bức xạ tia cực tím (UV) cao trên bề mặt của mặt trăng hoặc sao Hỏa, vật liệu này có chất ổn định tia cực tím để tăng độ bền. Nếu tòa nhà này bị phá hủy, polyme có thể được tái sử dụng nhằm xây dựng công trình khác.


Mỗi tầng có một mục đích khác nhau; tầng đầu tiên là không gian hội thảo và phòng thí nghiệm chuyên dụng, tầng hai là để giải trí và tầng ba là để nghỉ ngơi. Các thí nghiệm trong tòa nhà chủ yếu sẽ nghiên cứu tác động mà sự sống ngoài Trái Đất có thể tạo ra đối với con người.

Bảo vệ mạng sống con người trong môi trường khắc nghiệt sẽ là mục tiêu chính của bất kỳ khu định cư ngoài Trái Đất nào. Bản thân kiến trúc này có thể hứa hẹn mang đến giải pháp cho phép cư dân tồn tại và phát triển.

Rosenberg tuyên bố sẽ thực hiện các cuộc kiểm tra phần cứng, phần mềm, hệ thống điều khiển nhiệm vụ từ xa và hệ thống "kích thích giác quan", bao gồm ánh sáng, âm thanh và khứu giác. Học sinh, từ 6 đến 18 tuổi, cũng sẽ tham gia vào các dự án nhằm mô phỏng "tư duy hệ thống" (cách một hệ thống phức tạp tương tác giữa các bộ phận của nó) và hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.


Tham khảo: Space, Gizmodo

Chia sẻ Facebook