Tên lửa phòng không IRIS-T mà Đức mới cung cấp cho Ukraine mạnh cỡ nào?
Theo tờ DW, tên lửa phòng không IRIS-T mà Đức mới chuyển cho Ukraine có thể chống lại tất cả các loại máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar và xác suất tiêu diệt cao đối với máy bay không người lái.
Đức đã chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không công nghệ cao IRIS-T đầu tiên cho Kyiv nhằm giúp bảo vệ các thành phố và quân đội Ukraine khỏi các cuộc tấn công đường không.
Ukraine bắt đầu sở hữu một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới để bảo vệ nước này khỏi tên lửa hành trình của Nga, mặc dù Đức đã có phần chậm trễ chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không (SLM) IRIS-T này. Đây là hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống IRIS-T dự kiến được Berlin chuyển giao cho Ukraine cho đến năm tới.
Tên lửa mới có hiệu quả chống lại tất cả các loại máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar và tên lửa cỡ nòng lớn. Nó cũng có xác suất tiêu diệt cao đối với máy bay không người lái, máy bay chiến đấu không người lái và các mối đe dọa cơ động nhỏ khác ở khoảng cách rất ngắn và tầm trung.
Cùng ngày nhận hệ thống IRIS-T đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết đợt giao hàng đầu tiên là kỷ nguyên mới của phòng không Ukraine, đồng thời nói thêm rằng các hệ thống tương đương do Mỹ cung cấp cũng đang được triển khai.
Mặc dù được phát triển từ thập niên 1990 và trải qua vài lần cải tiến, phiên bản IRIS-T đang được chuyển cho Ukraine, với giá mỗi chiếc khoảng 140 triệu EUR (136 triệu USD), là cực kỳ mới. Các thử nghiệm cuối cùng chỉ mới được tiến hành vào cuối năm 2021, và bản thân quân đội Đức (Bundeswehr) cũng chưa mua một hệ thống IRIS-T nào. Các phiên bản cũ hơn của hệ thống này trước đây từng được Thụy Điển và Na Uy mua.
Hệ thống IRIS-T trang bị cho Ukraine được sản xuất bởi Diehl Defence, có trụ sở ở Überlingen, miền nam Đức, cung cấp năng lực che phủ tầm trung, ở độ cao lớn cho các thành phố nhỏ và lực lượng quân đội.
Mỗi hệ thống bao gồm 3 phương tiện: một bệ phóng tên lửa, một radar và một radar điều khiển hỏa lực, tích hợp hậu cần và hỗ trợ. Các tên lửa được cho là có tầm bắn 40 km, độ cao tối đa 20 km, được trang bị radar tầm xa 250 km, sử dụng hình ảnh hồng ngoại để xác định mục tiêu. Tên lửa cũng có thể triển khai 360 độ xung quanh bệ phóng.
Phan Anh
Tổng thống Ukraine tuyên bố đã nhận được tên lửa phòng không của Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đã nhận được Ukraine đã nhận hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Mỹ (NASAMS).