Tên lửa mạnh nhất của SpaceX chính thức hoạt động trở lại
Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX cất cánh vào 5h56 sáng ngày 16/1 (theo giờ Việt Nam) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở tiểu bang Florida, qua đó đánh dấu chuyến bay thành công thứ 5, theo hãng tin CNN.
Cụ thể, chuyến bay mới nhất của Falcon Heavy trong nhiệm vụ mang tên USSF-67 chở thiết bị an ninh quốc gia lên quỹ đạo cho quân đội Mỹ. Tên lửa này ra mắt vào năm 2018 khi CEO SpaceX Elon Musk sử dụng xe điện Tesla Roadster làm hàng hóa thử nghiệm khi phóng. Chiếc xe vẫn trôi nổi trong vũ trụ, bay theo quỹ đạo dài quanh Mặt Trời.
Sau nhiệm vụ thử nghiệm nêu trên, Falcon Heavy đã phóng thêm 2 lần vào năm 2019 trước khi vắng bóng suốt 3 năm do phần lớn nhiệm vụ của SpaceX không đòi hỏi lực đẩy lớn của phương tiện. Ngoài ra, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã phóng hơn 60 lần chỉ riêng trong năm 2022, đưa 2 đoàn phi hành gia vào không gian cũng như phóng vệ tinh Starlink và nhiều tàu vũ trụ khác.
Falcon Heavy bay trở lại vào tháng 11/2022 với nhiệm vụ USSF-44 của quân đội Mỹ. Theo Bộ chỉ huy Không gian Mỹ, nhiệm vụ USSF-44 bao gồm 6 trang bị trên một vệ tinh giúp nâng cấp liên lạc, cảm biến thời tiết vũ trụ và nhiều công nghệ khác trên quỹ đạo cận địa đồng bộ. Nhiệm vụ USSF-67 sẽ tận dụng cùng loại tàu vũ trụ triển khai trong USSF-44 mang tên LDPE. Về cơ bản, đó là một loại xe buýt ngoài không gian chuyên chở vệ tinh nhỏ. Falcon Heavy cũng chở một vệ tinh liên lạc gọi là Continuous Broadcast Augmenting SATCOM cho Lực lượng Không gian Mỹ.
Sau nhiệm vụ, công ty thu hồi 2 động cơ đẩy ở tầng đầu tiên của Falcon Heavy. Sau khi dùng hết phần lớn nhiên liệu, động cơ đẩy phụ tách ra xa khỏi lõi trung tâm và tự điều hướng để rơi qua khí quyển Trái Đất. Khi tới gần mặt đất, chúng kích hoạt động cơ và hoàn thành hạ cánh đồng thời trên bệ gần vùng ven biển Florida. SpaceX không thu hồi động cơ đẩy trung tâm do yêu cầu về nhiên liệu.