Tê giác Sumatra quý hiếm sinh con tại Vườn quốc gia Way Kambas, Indonesia
Một con tê giác Sumatra quý hiếm vừa ra đời tại Vườn quốc gia Way Kambas ở tỉnh Lampung, phía nam đảo Sumatra, Indonesia.
Mẹ của chú tê giác này trước đó đã sảy thai 8 lần kể từ năm 2005, khi được đưa về từ môi trường tự nhiên để nhân giống. Cha của tê giác là cá thể tê giác Sumatra đầu tiên được sinh ra trong một khu bảo tồn thiên nhiên sau hơn 120 năm.
Bộ Môi trường Indonesia cho biết, sự ra đời của tê giác Sumatra là tin vui đối với công tác bảo tồn động vật của Indonesia, bởi tê giác Sumatra đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ nguy cấp và việc sinh con thành công của một tê giác Sumatra cái là rất hiếm.
Tê giác Sumatra có thân hình nhỏ nhất trong các loài tê giác và có hai sừng. Theo Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), ước tính chỉ còn chưa đầy 80 cá thể tê giác Sumatra trên thế giới, chủ yếu sống ở đảo Sumatra và Kalimantan của Indonesia. Chúng từng có mặt trên khắp Nam và Đông Nam Á song nhiều mối đe dọa đã làm suy giảm số lượng tê giác Sumatra, trong đó có nạn săn bắn trộm và biến đổi khí hậu.
Từ năm 2017, các chuyên gia tê giác trên thế giới cho rằng nuôi nhốt tê giác Sumatra trên đảo Sumatra và Kalimantan là lựa chọn duy nhất khả thi để cứu loài này. Vườn quốc gia Way Kambas nằm trong mạng lưới các Khu bảo tồn tê giác Sumatra (SRS) của Indonesia cùng với SRS trong hệ sinh thái Leuser ở phía bắc đảo Sumatra và SRS Kelian trên đảo Kalimantan. Con tê giác vừa ra đời đã nâng tổng số tê giác Sumatra trong khu bảo tồn Way Kambas lên 8 cá thể./.
Người đàn ông phát hiện sinh vật màu xám khói lọt vào bẫy: Có độc và nguy hiểm hay không?