Tê giác khổng lồ được khai quật ở Trung Quốc là một trong những loài động vật có vú lớn nhất từng sống trên Trái Đất
Một loài tê giác khổng lồ cổ đại mới đã được phát hiện ở tây bắc Trung Quốc, và đây rất có thể sẽ là một trong những loài động vật có vú lớn nhất trên cạn từng tồn tại trên hành tinh của chúng ta.
Một loài tê giác khổng lồ cổ đại mới đã được phát hiện ở tây bắc Trung Quốc. Loài tê giác khổng lồ này thuộc phân họ indricotheres và nó có thể là một trong những loài động vật có vú lớn nhất từng đi bộ trên cạn - và loài mới này được đặt tên là Paraceratherium linxiaense, còn to hơn một chút so với Dzungariotherium orgosense, loài thường được coi là lớn nhất trong số tất cả các loài trong họ indricotheres.
Tao Deng tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh và các đồng nghiệp của ông đã mô tả P. linxiaense từ hóa thạch một hộp sọ và xương hàm còn nguyên vẹn được tìm thấy trong lớp trầm tích 26,5 triệu năm tuổi ở lưu vực Lâm Hạ thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc - nơi những nhà khảo cổ tìm kiếm hóa thạch động vật có vú từ những năm 1980.
Giống như các loài khác trong họ của mình, P. linxiaense có một chiếc cổ dài với hộp sọ mảnh mai. Nó có khả năng đã sống ở những khu vực rừng thưa và ăn lá trên cây giống như loài hươu cao cổ hiện đại thường làm.
Deng nói: "Loài tê giác khổng lồ này không có sừng và nó trông giống một con ngựa hơn là một con tê giác. Chúng có thể đạt chiều cao lên tới 7 mét".
Nhóm nghiên cứu ước tính rằng P. linxiaense sẽ nặng khoảng 21 tấn, tương đương với trọng lượng của 4 con voi Châu Phi trưởng thành
Luke Holbrook tại Đại học Rowan ở New Jersey cho biết: "Những con vật này có thể lớn hơn bất kỳ động vật có vú nào còn sống trên cạn hiện nay".
Tuy nhiên, vì chúng ta không thể cân những con vật này bằng những chiếc cân thực tế và phải dựa vào những ước tính gần đúng từ hóa thạch của chúng, chúng ta không thể biết được kích thước cơ thể thực tế của chúng cụ thể là bao nhiêu.
Các loài trong họ Indricotheres được cho là chủ yếu sống ở Châu Á, từ Mông Cổ đến Pakistan, nhưng một số ít hóa thạch của chúng cũng đã được tìm thấy ở Đông Âu.