'Tay to' thao túng chứng khoán: Xử lý mạnh tay, làm sạch thị trường
Hoạt động thao túng chứng khoán được nói đến rất nhiều, gần đây không ít vụ bị xử lý mạnh tay. Đây là diễn biến tích cực góp phần làm thị trường minh bạch hơn và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Thiệt hại lớn vì thao túng
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua một phiên 28/3 giảm mạnh. Áp lực bán lan rộng từ nhóm cổ phiếu “họ FLC” lan ra khắp thị trường, đến hầu hết các nhóm ngành sau khi có tin đồn ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt.
Sức ép gia tăng khiến chỉ số VN-Index giảm nhanh, lùi xa ngưỡng 1.500 điểm.
Nhóm cổ phiếu “họ FLC” bị bán tháo bằng mọi giá và đồng loạt giảm sàn, với dư bán lên tới cả trăm triệu đơn vị. Không ít người đã thua lỗ lớn vì những cú sốc giảm giá, trắng bên mua như thế này.
Trước đó, ngày 10/1/2022 (trước Tết Nguyên đán), TTCK ghi nhận kỷ lục chưa từng có trong lịch sử 21 năm hoạt động: 135 triệu cổ phiếu FLC (Tập đoàn FLC) của ông Trịnh Văn Quyết, trị giá khoảng 3.100 tỷ đồn,g được chuyển nhượng trong tình trạng biến động rất mạnh, từ tăng trần (thêm 7% trong buổi sáng) sang giảm sàn vào buổi chiều, trước khi đóng cửa giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/cp.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sau đó xác định Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch đó, phong tỏa tài khoản của ông và hủy toàn bộ lệnh đối ứng từ tài khoản bán của ông Quyết. Ông Quyết sau đó bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch trong 5 tháng.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu FLC sau đó vẫn giảm sàn kéo dài, dư bán lên tới vài chục triệu đơn vị và có thể khiến nhiều cổ đông mất cả chục nghìn tỷ. Nhiều người không thể bán cắt lỗ cổ phiếu FLC, ROS và các mã trong “hệ sinh thái FLC”. Niềm tin trên thị trường suy giảm.
Ngày 29/3, Bộ Công an ra thông báo khởi tố bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng chứng khoán ; che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK.
Theo UBCKNN, trên TTCK cũng xuất hiện một số cổ phiếu có dấu hiệu bất thường. Trong năm 2021, cơ quan này ban hành 471 quyết định xử phạt hành chính, phối hợp với Bộ Công an xử lý 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo,... các group, topic về các mã cổ phiếu nở rộ và nhiều chưa từng có.
Mới đây, ngày 24/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an thông tin, đối tượng Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc CTCP ASA, đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng, niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở GDCK Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.
Hồi giữa 2021, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị cơ quan này cùng lúc thanh tra tình hình nghẽn lệnh tại HOSE và các cổ phiếu “rác”, với đủ chiêu trò làm giá, thổi giá nhưng không bị phát hiện.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, cho rằng, có DN mua lại CTCK nhỏ để làm công cụ giao dịch. Có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong DN, người thân nhưng giao dịch hằng ngày đều do CTCK thực hiện.
Một số NĐT có kinh nghiệm phản ánh, gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều cổ phiếu có giao dịch bất thường. Chẳng hạn, mã RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia liên tục thua lỗ nhưng có chuỗi tăng trần vài chục phiên, gấp thêm 10 lần rồi sau đó quay đầu giảm sàn cả chục phiên.
Trên thực tế, một số lãnh đạo DN niêm yết sử dụng hàng chục tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu như tại PIV, KSA, CTF... Các NĐT nhỏ lẻ “đua theo sóng” thiệt hại nặng. Trong trường hợp KSA, theo cáo trạng truy tố, cựu nữ chủ tịch KSA đã gây thiệt hại cho gần 1.500 nhà đầu tư.
Lịch sử cũng cho thấy, cựu Chủ tịch CTCP Mỏ và Xuất khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) đã lĩnh án chung thân vì hành vi thao túng giá chứng khoán.
Cú sốc FLC và câu chuyện làm sạch thị trường
Theo UBCKNN, hành vi của ông Trịnh Văn Quyết có đủ yếu tố cấu thành tội "thao túng TTCK", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), nhìn nhận, vụ việc Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt có thể sẽ ảnh hưởng khá mạnh tới TTCK, giống một số vụ lãnh đạo DN bị bắt như Bầu Kiên, Trần Bắc Hà...
Theo ông Trí, nhóm cổ phiếu FLC giảm là khó tránh khỏi. Còn với thị trường chung, ảnh hưởng chủ yếu là tâm lý. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực có thể vài phiên giống như các vụ việc bắt giữ, khởi tố trước đây.
Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực là trong ngắn hạn, còn về dài hạn là tốt cho thị trường. Triển vọng của TTCK vẫn khá ổn. Nền kinh tế Việt Nam vẫn diễn biến tích cực với GDP tăng tốt.
Tội phạm thao túng TTCK liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế của NĐT và sự minh định của chính sách kinh tế thị trường. Việc hình sự hóa hành vi này một cách cụ thể trong Luật Chứng khoán gần đây được giới đầu tư đánh giá cao. Số vụ việc bị xử lý hình sự tăng lên theo sự sôi động của thị trường và sự gia tăng tính minh bạch.
Bà Đỗ Thị Hiền, một NĐT tại Hà Nội, cho rằng, trước đây nhiều hành vi thao túng chứng khoán được phát hiện muộn và nhiều năm sau mới xử phạt, như trường hợp KSA. Kết quả là, nhiều NĐT mất tiền. Việc cơ quan chức năng phản ứng nhanh như trường hợp FLC là một tín hiệu rất tích cực.
Gần đây, số lượng người bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội thao túng chứng khoán tăng lên. Đây không hẳn là điều xấu, mà là tín hiệu cho thấy sự nỗ lực làm sạch và góp phần giúp phát triển thị trường của cơ quan quản lý. Bởi, hậu quả của hành vi thao túng là rất lớn.
Quy định xử lý hình sự hành vi thao túng chứng khoán được cho là sẽ tạo hiệu ứng tích cực đối với TTCK, có tác dụng răn đe đối với các đối tượng có khả năng và có ý định thao túng thị trường. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo sự minh bạch, bình đẳng và phát triển thị trường lành mạnh. Xu hướng này cũng phổ biến trên các thị trường phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.