Tây Tạng trừng phạt hơn 100 quan chức vì không ngăn chặn được COVID-19
Hơn 100 quan chức ở Tây Tạng đã bị cách chức hoặc khiển trách trong tháng này vì không ngăn chặn được sự lây lan của COVID-19.
Embed from Getty Images
Kể từ tháng 1/2020, những ngày đầu của đại dịch COVID-19 toàn cầu, khu vực ở vùng núi Himalaya xa xôi này chỉ có một trường hợp nhiễm bệnh đến từ tỉnh Hồ Bắc nằm ở miền Trung Trung Quốc, cho đến khi một đợt bùng phát lần đầu tiên được báo cáo vào ngày 8/8 đã lan sang một số thành phố ở Tây Tạng.
Hôm thứ Bảy (27/8), Tây Tạng đã chiếm gần 500 ca nhiễm COVID-19 mới trong tổng số gần 1.300 ca nhiễm được ghi nhận trên toàn quốc. Ngoài ra, vùng đất lân cận Tân Cương và hòn đảo Hải Nam ở phía nam Trung Quốc là những điểm nóng lớn khác về COVID-19.
Mặc dù số ca nhiễm bệnh có vẻ không đáng kể so với số ca nhiễm ở các quốc gia khác, nhưng những con số như vậy được coi là những đợt bùng phát lớn theo chính sách zeo-COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc Chính quyền cộng sản Trung Quốc áp dụng chính sách zeo-COVID nhằm dập tắt nhanh chóng các đợt bùng phát cục bộ thông qua việc áp đặt các đợt phong tỏa đột ngột, xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc và cách ly trên diện rộng.
Theo một bài báo của tờ Tibet Daily do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, tuần trước, 22 quan chức ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng đã phải đối mặt với án kỷ luật do sơ suất trong việc kiểm soát virus corona.
Trích dẫn lời của chính quyền địa phương, tờ báo cho biết, 5 người trong số họ đã bị sa thải và những người còn lại bị cảnh cáo nghiêm khắc.
Trước đó, Thành ủy thành phố Shannan thuộc Tây Tạng giáp biên giới với Nepal thông báo, sáu quan chức địa phương đã bị kiểm điểm vì thiếu sót trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Hai người trong số đó đã bị cách chức.
Tại thành phố Xigaze nằm ở phía Tây Nam Tây Tạng, nơi bùng phát dịch bệnh, 77 quan chức đã phải đối mặt với án kỷ luật trong tháng này vì lơ là nhiệm vụ trong cuộc chiến chống COVID-19. Mười người trong số họ đã bị mất việc làm. Trong khi đó, hàng chục quan chức khác đã được thăng chức vì “thành tích xuất sắc” .
Tại Hải Nam, hòn đảo nhiệt đới nghỉ dưỡng nổi tiếng của Trung Quốc, chính quyền đã áp đặt các đợt phong tỏa đột ngột, đình chỉ các chuyến tàu hỏa và chuyến bay khiến hàng chục nghìn du khách bị mắc kẹt. Ủy ban kỷ luật đảng của thành phố đã đưa ra các mức án kỷ luật đối với sáu quan chức.
Trong số đó, ông Gu Hao, bí thư đảng quận Jiyang thuộc thành phố nghỉ dưỡng ven biển Tam Á, đã bị cách chức vào ngày 16/8.
Nổi tiếng với các bãi biển đầy cát trắng, các khu nghỉ dưỡng sang trọng và khu mua sắm miễn thuế, Tam Á đã trở thành cơn ác mộng đối với khoảng 80.000 khách du lịch bị mắc kẹt trong các khách sạn của họ khi chính quyền áp đặt một đợt phong tỏa đột ngột vào ngày 6/8 để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Theo thông báo chính thức của cả Tây Tạng và Hải Nam, các quan chức này bị trừng phạt vì “thiếu lập trường chính trị” , “thực hiện không đầy đủ công tác kiểm soát và ngăn ngừa đại dịch” và “bệnh quan liêu, hình thức nghiêm trọng, thực thi nhiệm vụ không hiệu quả và lơ là nhiệm vụ.”
Theo ông Alfred Wu, phó giáo sư của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, các biện pháp khắc nghiệt của chính quyền cộng sản Trung Quốc cho thấy zero-COVID vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị của Trung Quốc trước thềm đại hội đảng năm nay, mặc dù chính quyền Trung Quốc phần nào đã nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh trong những tuần gần đây.
Đại hội đảng năm nay của Trung Quốc, vốn được tổ chức 5 năm một lần, được cho là một sự kiện mang tính bước ngoặt, với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có, cùng với việc cải tổ các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Giáo sư Wu nhận định: “ Việc trừng phạt quy mô lớn là một lời nhắc nhở rất rõ ràng đối với các quan chức địa phương ở Trung Quốc về ưu tiên hàng đầu hiện nay là gì. Việc cho phép sinh viên và doanh nhân nước ngoài vào lại Trung Quốc chỉ là những điều chỉnh mang tính kỹ thuật hoặc chiến thuật. Đối với trong nước, zero-COVID vẫn là công việc quan trọng nhất, không thể thương lượng.”
“Đưa ra các hình phạt nghiêm khắc cũng là một cách để các bí thư tỉnh hoặc khu vực chứng tỏ sự trung thành của họ đối với ông Tập bởi vì điều đó cho thấy họ rất nghiêm túc đối với [chính sách] zero-COVID.”
Gia Huy (Theo SCMP)
Nhà báo Hồng Kông: ĐCSTQ dùng COVID-19 để truyền bá tư tưởng độc tài toàn trị
Bắc Kinh đã tận dụng mọi hoạt động tuyên truyền liên quan đến đại dịch COVID-19 để truyền bá tư tưởng độc tài toàn trị của mình sang phương Tây.