Tây Nguyên trong tôi

Chia sẻ Facebook
12/06/2023 08:17:26

Sáng sớm hôm qua, ngủ dậy, tôi nhận được tin nhắn: “H.Cư Kuin (Đắk Lắk) có biến...

Thì biết thế và theo dõi tình hình.

Nửa buổi sáng thì Trung tướng Tô Ân Xô thông báo tình hình cho các báo, rằng có việc tấn công hai trụ sở công an xã, một số cán bộ chiến sĩ công an, cán bộ xã và cả một vài người dân thương vong. Tới trưa thì thông tin tiếp là đã bắt được gần chục kẻ tham gia cuộc tấn công hai trụ sở xã.

Hành vi giết người, mà giết người có chuẩn bị, có chủ đích, có nhiều người tham gia là hành vi không thể chấp nhận được. Nó phải bị loại trừ ở xã hội văn minh.

Tối hôm trước, tôi vừa dự một cuộc cồng chiêng rất vui ở thành phố Pleiku.


Những người Jrai, Bahnar rất thân thiện và hiếu khách, cứ tối thứ 7 hàng tuần lại mang chiêng lên một góc cái quảng trường Pleiku để chơi. Ở đấy có một góc nhiều cây ít điện, một số bạn công chức văn hóa yêu Tây Nguyên đã tổ chức cuộc chơi này. Họ mời các nghệ nhân từ các buôn làng lên, “cấp” cho bà con chỗ đất “gần gần như rừng” ấy, bà con chơi đúng như những gì bà con thường làm ở buôn làng.

Ảnh minh họa.

Một Tây Nguyên hiện hữu và thân thiện, tài hoa và điệu nghệ. Một Tây Nguyên chân tình và khoáng hoạt. Tây Nguyên vừa bản sắc vừa hiện đại. Tây Nguyên hôm nay trên cái nền truyền thống.

Tôi đã rất nhiều lần được sống cùng chiêng tại các buôn làng. Cũng nhiều lần được xem các cuộc lễ hội có đạo diễn mang chiêng trên sân khấu. Rất khó khi chúng ta cứ muốn giữ những gì là nguyên bản, và lại càng khó hơn khi chúng ta mang nó ra cộng đồng lớn hơn khu vực làng, vượt qua yếu tố nghi lễ tâm linh trở thành biểu diễn thi thố. Văn hóa và văn minh thường là xung đột với nhau để xã hội phát triển mà vẫn giữ được bản sắc. Đời này sang đời khác, cuộc giành giật níu kéo giữa phát triển và bảo tồn, giữa cái mới và cái cũ, giữa hào nhoáng và thô sơ nguyên bản, giữa bản chất và hiện tượng... luôn làm loài người phải bận tâm để rồi chúng ta có văn hóa, có văn hóa vùng miền và văn hóa nhân loại, có văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng, có văn hóa bản sắc và văn hóa đại trà... tựu trung lại, nó là những sản phẩm vô giá của con người gửi lại cho mai hậu…


Tôi lên Tây Nguyên tới nay đã được... 42 năm, giờ đã được coi là người Tây Nguyên dù nhà ở Huế. Tốt nghiệp đại học là đeo ba lô làm một lèo tới giờ.
Nhiều năm ở Tây Nguyên, tiếp xúc và học hỏi, cảm nhận và thu nạp, đi và sống, tôi lờ mờ nhận thấy có một nguyên tắc hài hoà trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Cái nguyên tắc này nó tự nhiên nhi nhiên hoà lẫn vào đời sống như bản thân đời sống chứ không gò bó bắt buộc, không câu nệ, như kiểu chả ai bảo ai, chả ai bắt buộc, nhưng nếu sáng sáng nhìn dân ta đi bộ thể dục quanh hồ hoặc quanh công viên, bao giờ cũng theo chiều ngược kim đồng hồ...


Theo thuyết vạn vật hữu linh, người Tây Nguyên quan niệm tất cả mọi vật liên quan đến đời sống của họ đều có linh hồn. Chiêng có hồn chiêng, lúa có hồn lúa, ghè có hồn ghè, cho đến cái gùi, quả bầu, cái cầu thang... Và tất nhiên là con người nữa. Đứa bé sinh ra được làm lễ thổi tai để nhập linh hồn, cho đến khi chết đi được làm lễ pơ thi để đưa tiễn linh hồn về với thế giới A tâu là một vòng đời với tất cả sự huyền bí thiêng liêng, vừa giản dị vừa bí ẩn, vừa đương nhiên vừa bất ngờ khiến cho kiếp người vừa hạnh phúc vừa khổ đau, vừa mong manh lại trường tồn bất tử...

Có rất nhiều những nguyên lý hài hoà ở đời sống cư dân Tây Nguyên, từ những bậc cầu thang với cặp vú căng mẩy để ta nắm ta cầm mỗi khi lên xuống đến bếp lửa trong sàn nhà suốt ngày bập bùng tối sáng. Từ cái giọt nước đầu làng đến những đống củi hứa hôn xếp đầy dưới gầm cầu thang. Từ hương rượu cần đến đôi mắt thiếu nữ bắt men lung linh như những đốm lửa, cả ở cái tay áo thiếu nữ được dệt rất công phu nhưng lại không bao giờ xỏ vào mà để thõng ngoài cánh tay trần tròn lẳn... Tây nguyên còn rất nhiều kỳ bí lý thú mà không thể ngày một ngày hai ta đã hiểu hết...

Ngày xưa làng Tây Nguyên đẹp lắm. Bao giờ cũng ở rìa các con suối, có các “giọt” nước dẫn về làng, và làng thì chênh vênh trên đồi, giữa làng là nhà rông như lưỡi rìu ngược lên trời, xung quanh là nhà sàn như đàn gà con xúm xít quanh gà mẹ. Rẫy ở xa làng, trong rẫy cũng có nhà để người đi làm rẫy nghỉ lại, có khi cả tuần mới về. Thông thường là sáng đi tối về.

Có rất nhiều bí ẩn, huyền bí trong cuộc sống của người Tây Nguyên, cái cuộc sống tưởng như lam lũ, tưởng như đơn giản, nhưng té ra lại vô cùng phong phú, vô cùng nhân văn và vô cùng lý thú nếu như ta chịu khó đi sâu tìm hiểu...


Và muốn Tây nguyên phát triển thì có lẽ cần phải hiểu về nó một cách thấu đáo trước khi đề ra các chính sách kinh tế xã hội phục vụ nó...

Trong tôi, Tây Nguyên luôn vừa bí ẩn lại vừa thân thiện như đã cảm nhận trực tiếp gần nửa thế kỷ qua.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook