“Tẩy chay” Huawei - Bài toán khó cho ngành viễn thông Đức

Chia sẻ Facebook
07/03/2023 18:58:19

Chính phủ Đức được cho là đang đánh giá lại mối quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông, sau nhiều năm do dự.


Chính phủ Đức đang lên kế hoạch cấm các nhà khai thác viễn thông sử dụng một số thành phần nhất định từ các công ty Trung Quốc Huawei Technologies và ZTE trong mạng 5G của họ, trang Zeit Online của Đức cho biết hôm 6/3.

Lệnh cấm có thể bao gồm các thành phần đã được tích hợp sẵn trong mạng, do đó các nhà khai thác sẽ phải loại bỏ và thay thế chúng, Zeit Online viết, trích dẫn các nguồn chính phủ Đức.

Những người phản đối Huawei và ZTE cho rằng việc sử dụng những thành phần này có thể giúp cho các gián điệp Trung Quốc, thậm chí là những kẻ phá hoại quyền truy cập vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Đức, nhưng Huawei, ZTE và chính phủ Trung Quốc liên tục bác bỏ những cáo buộc này.

Đức đã thông qua luật bảo mật CNTT vào năm 2021, đặt ra những rào cản lớn đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông cho các mạng thế hệ tiếp theo, nhưng không cấm Huawei và ZTE như một số quốc gia khác như Mỹ và Canada đã làm.

Trang Zeit Online cho biết, cơ quan an ninh mạng của chính phủ và Bộ Nội vụ đã dành khá nhiều thời gian kiểm tra xem có thành phần nào trong mạng 5G đang phát triển có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh của Đức hay không. Tờ báo trích dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết cuộc khảo sát chưa chính thức kết thúc, nhưng kết quả đã khá rõ ràng.

Huawei đóng vai trò quan trọng trong hệ thống mạng 5G của Đức. Ảnh: wired.com


Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Các nhà lập pháp và chính trị gia hàng đầu ở Đức đang kêu gọi các nhà khai thác viễn thông của quốc gia này giảm sự phụ thuộc vào thiết bị mạng của Trung Quốc sau khi có báo cáo cho thấy họ đã mua một lượng lớn thiết bị 5G từ các nhà cung cấp châu Á.

Nhiều năm qua, Đức cũng đã do dự trong việc đưa ra các hạn chế đối với các nhà cung cấp rủi ro cao, một thuật ngữ được hiểu rộng rãi là các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc Huawei và ZTE.


Việc xoay trục khỏi Huawei phù hợp với cách tiếp cận đang thay đổi đối với Trung Quốc của chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hồi tháng 11/2022 cho biết nước này đang tìm cách bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông và chip. Ông Habeck cũng chính thức cấm các nhà đầu tư Trung Quốc mua một nhà máy sản xuất chip của Đức trong cùng thời gian đó.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã phơi bày sự phụ thuộc của Đức vào các nhà độc tài trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng. Berlin do đó đang nghiêm túc đặt câu hỏi về sự phụ thuộc của mình vào các công ty viễn thông Trung Quốc.

“Sau một thời gian dài bế tắc, chính phủ Đức đã cân nhắc khả năng loại trừ các nhà cung cấp không đáng tin cậy khỏi việc mở rộng cơ sở hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều công nghệ từ Huawei vẫn được sử dụng trong cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi hiện nay. Điều đó thật tệ”, ông Maik Außendorf, một thành viên quốc hội và chuyên gia chính sách kỹ thuật số của Đức cho biết.

“Công nghệ của các công ty Trung Quốc cần được loại bỏ khẩn cấp ít nhất là khỏi lĩnh vực cốt lõi của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quan trọng của chúng tôi. Đức cần một cuộc đại tu tổng thể về hợp tác giữa khu vực tư nhân với các công ty từ các quốc gia thống lĩnh trong lĩnh vực này”, ông Außendorf đề xuất.


“Nói dễ hơn làm”


Nhiều quốc gia châu Âu đã cấm các công ty trong nước sử dụng tất cả hoặc một phần thiết bị mạng 5G của các công ty Trung Quốc vì lý do an ninh trong bối cảnh áp lực ngoại giao mạnh mẽ từ Mỹ.

Trong khi đó, Đức lại ngày càng phụ thuộc vào Huawei. Kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn viễn thông Strand Consult (Đan Mạch) được công bố hồi tháng 12/2022 cho thấy, Huawei hiện chịu trách nhiệm đối với 59% số trạm cơ sở của mạng truy cập vô tuyến 5G cũng như cơ sở hạ tầng liên quan kết nối điện thoại thông minh với mạng 5G của Đức, trong khi con số này ở mạng 4G là 57%.

Ngoài mạng điện thoại di động, 5G còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như quản lý đô thị thông minh, ô tô tự lái hay tự động hóa. Ảnh: digi.com

Tháng 1/2020, Liên minh Châu Âu đã công bố hướng dẫn bảo mật cho mạng 5G nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mất an toàn mạng cho EU và các quốc gia thành viên trong quá trình triển khai mạng 5G.

Tháng 4/2021, hơn một năm sau khi hướng dẫn này được đưa ra, chính phủ Đức đã thông qua các biện pháp cho phép chính phủ nước này can thiệp vào hợp đồng của các nhà khai thác với các nhà cung cấp Trung Quốc.

Theo đó, Bộ Nội vụ Đức có quyền phủ quyết cấm hoặc thu hồi một số thành phần nếu chúng được coi là “sự suy giảm trật tự hoặc an toàn công cộng”.

Tuy nhiên, những biện pháp can thiệp như vậy không thực sự được đưa ra. Cho đến nay, vẫn chưa có yêu cầu cụ thể nào về việc cắt Huawei khỏi hệ thống mạng của Đức được ban hành, người phát ngôn của Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết trong một email.

Chính phủ mới của Thủ tướng Olaf Scholz được cho là sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có động thái nào đáng kể để hạn chế phụ thuộc của các công ty viễn thông nước này vào Huawei hay ZTE. Các quan chức EU đã chỉ trích Đức là một trong những nước tụt hậu của khối vì những động thái chậm chạp của quốc gia này.


Trong số 27 thành viên EU, có 23 quốc gia đã đưa ra luật để thực hiện hướng dẫn bảo mật mạng 5G. Tuy nhiên, chỉ có 7 quốc gia áp đặt các hạn chế cần thiết, ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU Thierry Breton cho biết hồi đầu tháng 2 .


Nguyễn Tuyết (theo Politico, SCMP, Reuters)

Chia sẻ Facebook