Tàu vũ trụ Voyager 2 bất ngờ mất liên lạc với Trái đất
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang nỗ lực tìm kiếm tín hiệu từ Voyager 2 sau khi họ mất liên lạc với tàu vũ trụ đang ở cách xa 19 tỷ km.
Ngày càng tiến sâu hơn vào không gian giữa các vì sao, Voyager 2 đã mất liên lạc kể từ khi người điều khiển chuyến bay vô tình gửi sai mệnh lệnh hơn một tuần trước, khiến ăng-ten của con tàu lệch khỏi Trái đất. Ăng-ten của tàu Voyager 2 chỉ dịch chuyển 2%, nhưng như vậy vẫn đủ để cắt liên lạc.
Tàu vũ trụ Voyager 2 được phóng lên không gian từ năm 1977 và đã đi xa khỏi Trái đất 19 tỷ km. Ảnh: NASA
NASA cho biết ăng-ten khổng lồ của trạm theo dõi không gian Deep Space Network đặt tại Canberra (Úc) đang tìm kiếm bất kỳ tín hiệu đi lạc nào từ Voyager 2, cách xa hơn 19 tỷ km. Phải mất hơn 18 giờ để một tín hiệu đến được Trái đất từ khoảng cách rất xa như vậy.
Voyager 2 được phóng từ Florida (Mỹ) vào năm 1977 để nghiên cứu hệ mặt trời cũng như Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương - và được gửi lên chỉ vài tuần trước người anh em song sinh giống hệt nó, Voyager 1. Con tàu đã đi vào không gian giữa các vì sao vào năm 2018, đã phát hiện ra một loạt các mặt trăng mới trên Sao Thiên Vương và Sao Mộc.
Trong tuần tới, ăng-ten Canberra - một phần của Mạng không gian sâu của NASA - sẽ bắn phá vùng lân cận của Voyager 2 với hy vọng rằng nó sẽ bắt được mục tiêu, theo Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA, nơi quản lý các nhiệm vụ của Voyager.
Nếu biện pháp kể trên không thành công, NASA sẽ phải đợi đến tháng 10 để thiết lập lại tàu vũ trụ và khôi phục liên lạc. Quá trình đặt lại hướng ăng-ten tự động được lập trình xảy ra vào ngày 15/10. NASA cho biết họ tin rằng quá trình đặt lại hướng, được thiết kế để giữ cho ăng-ten của Voyager 2 hướng về Trái đất, sẽ cho phép tiếp tục liên lạc.
Hiện tại, người anh em song sinh với Voyager 2 là Voyager 1 vẫn đang liên lạc với Trái đất. Con tàu này đang ở cách xa chúng ta gần 24 tỷ km, khiến nó trở thành tàu vũ trụ xa nhất của nhân loại hiện nay.
>> Xem thêm: