Tàu Lào-TQ 1 năm nhìn lại: Vận chuyển 10 tỉ NDT hàng hoá, 2 triệu tấn hàng, cho Lào cơ hội trở thành "siêu trung tâm thương mại trên đất liền"
Tuyến đường sắt đã mang lại những lợi ích kinh tế khổng lồ cho Lào và Trung Quốc trong 1 năm qua, Tân Hoa Xã cho biết.
Rút ngắn thời gian
Đối với Kingkeo Duangphanam, 32 tuổi, sống ở tỉnh Luang Prabang phía bắc của Lào, việc đến thủ đô Viêng Chăn ở cực nam của đất nước từng đồng nghĩa với một hành trình gian khổ kéo dài 8 tiếng, đôi khi là 9 tiếng, bằng xe buýt.
Nhưng bây giờ quá trình này chỉ mất 2 giờ bằng đường sắt. Kể từ khi mở tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, Kingkeo đã đi từ quê hương của cô đến Viêng Chăn 6 lần, lần gần đây nhất cô đi là để đưa con đến bệnh viện. Trả lời Tân Hoa xã, cô cho biết mình rất thích tuyến đường này, vì nó tiết kiệm thời gian và thoải mái, không mệt mỏi như đi xe buýt.
Về phía bắc Trung Quốc, tại Chengzi, một ngôi làng dân tộc Dai nằm cạnh đường sắt ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, dân làng đã biến sân vườn thành nhà trọ và lên kế hoạch tổ chức các lễ hội dân gian để thu hút khách du lịch, tận dụng nguồn lợi mà đường sắt mang lại.
Nối Viêng Chăn với Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, Trung Quốc, tuyến đường sắt dài 1.035 km không chỉ mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Với 8,5 triệu lượt hành khách và 11,2 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển xuyên biên giới đến hơn 10 quốc gia và khu vực kể từ khi khai trương 1 năm trước, tuyến đường sắt này là dự án kết nối giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và chiến lược của Lào để chuyển mình từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm liên kết với đất liền ở Bán đảo Đông Dương.
Với khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng cao trong năm qua, đường sắt không chỉ mang lại lợi ích cho người dân 2 nước Lào-Trung mà còn trở thành công trình quốc tế được ưa chuộng và là nền tảng cho hợp tác quốc tế.
Giá trị vận chuyển hàng hóa quốc tế trên tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã vượt qua 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) gần một năm sau khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động, theo cơ quan vận hành đường sắt quốc tế Vân Nam.
Theo công ty, họ đã vận hành hơn 1.500 chuyến tàu chở hàng trong và ngoài nước, chuyên chở 1,4 triệu tấn hàng hóa. Khối lượng hàng hóa qua biên giới do công ty xử lý hàng tháng đã tăng từ dưới 30.000 tấn lên khoảng 200.000 tấn.
Tuyến đường sắt quốc tế Trung Quốc-Lào đi qua 25 khu vực trên Trung Quốc với hơn 1.200 loại sản phẩm được vận chuyển. Hàng hóa đã được gửi từ Trung Quốc đến hơn 10 quốc gia khác như Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.
Kể từ khi thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực vào tháng 1, các điểm đến vận chuyển hàng hóa quốc tế qua Đường sắt Trung Quốc-Lào đã được mở rộng sang nhiều quốc gia và khu vực hơn, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Campuchia.
"Việc khai trương tuyến đường sắt không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế dọc theo tuyến đường mà còn đẩy nhanh việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Lào và cộng đồng vì một tương lai chung giữa hai bên", Ma Yong, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Học viện Khoa học Xã hội Vân Nam, cho biết.
Thepmoukda Phetsalath, một người Lào theo học tại Đại học Tongji ở Thượng Hải, cho biết khi còn đi học, cô thường mua đồ dùng hàng ngày cho gia đình, những thứ này sẽ mất nhiều thời gian để chuyển từ Trung Quốc sang.
Nhưng mọi thứ trở nên thuận tiện hơn sau khi tuyến đường sắt mở cửa vào năm ngoái. Cô đang mong hết dịch để có thể đưa gia đình từ Viêng Chăn sang Trung Quốc bằng đường sắt.
Cải thiện nền kinh tế
Sự phát triển kinh tế của Lào, quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á, từ lâu đã bị hạn chế do giao thông không thuận lợi.
Giống như Kingkeo, Phouttoula Xayyathit từ Luang Prabang từng lái ô tô trong khoảng 12 giờ để có thể đến Viêng Chăn làm việc. Với việc khai trương Đường sắt Trung Quốc-Lào, tuyến đường sắt hiện đại đầu tiên ở Lào vào ngày 3/12/2021, "tôi chỉ mất khoảng 2 giờ đi tàu. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tiện lợi như vậy", ông nói với Tân Hoa xã.
Cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 220 km về phía bắc, thị trấn Luang Prabang, được Tổ chức UNESCO liệt kê là di sản thế giới vào năm 1995, là một điểm thu hút khách du lịch hàng đầu với những ngôi đền cổ và cảnh quan nông thôn. Kể từ tháng 5 vừa qua, nơi này đã đón một lượng khách du lịch tăng đột biến.
Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Luang Prabang cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, có 335.794 lượt khách du lịch, chiếm 85,27% tổng số, đến tỉnh Luang Prabang bằng tàu hỏa, số còn lại đi bằng máy bay, xe buýt hoặc thuyền.
Nhiều người đến từ các nước láng giềng như Thái Lan. "Đoàn tàu đã thúc đẩy sự phát triển du lịch và cải thiện nền kinh tế của các thành phố ở Lào", Vilaxay Xaylongsy, quản lý nhà ga tại nhà ga đường sắt Viêng Chăn cho biết.
Báo cáo mới nhất của Cục Phát triển Du lịch Lào cho biết, việc vận hành toàn tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, đồng kip rẻ, cộng thêm những danh lam thắng cảnh như Vang Vieng và Luang Prabang, là một trong những điểm thu hút chính đối với du khách từ các nước láng giềng.
Cư dân sống gần đường sắt dự đoán du lịch tại vùng sẽ có sự bùng nổ mới. Giống như làng Chengzi ở Vân Nam, nhiều ngôi làng từng ít người biết đến gần đường sắt ở Trung Quốc đã dần trở thành điểm đến nổi tiếng.
Bằng cách cắt giảm thời gian di chuyển, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại. Yang Jie, trưởng văn phòng Côn Minh của một công ty quản lý chuỗi cung ứng có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: "Chúng tôi đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí hậu cần từ Côn Minh đến Viêng Chăn nhờ giảm thời gian vận chuyển và giảm thiệt hại do vận chuyển hàng hóa".
Dữ liệu mới nhất cho thấy hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt đã mở rộng lên hơn 1.200 loại. Du Zhigang, giám đốc điều hành của tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, cho biết hàng hóa được vận chuyển từ Lào bao gồm cao su, lúa mạch, sắn, cà phê, bia, quặng và kali, trong khi các nhu yếu phẩm hàng ngày, bộ phận cơ khí, phụ tùng ô tô và sản phẩm điện tử được vận chuyển từ Trung Quốc sang.