Tắt thông báo tin nhắn trong ngày nghỉ: Sếp chê vô trách nhiệm
Nhiều công việc đòi hỏi tính cập nhật liên tục và nhanh chóng, do đó việc tắt hết thông báo tin nhắn, ném điện thoại sang một bên để tận hưởng ngày nghỉ là một điều bất khả thi.
Đã bao lâu bạn không dám ngắt kết nối wifi, tắt hết thông báo trong những ứng dụng nhắn tin để bản thân được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa? Mỗi khi rời xa điện thoại một chút, thậm chí là vào ngày cuối tuần hay dịp lễ tết, trong lòng lại thấp thỏm lo lắng có bị đồng nghiệp gọi, sếp nhắc nhở hay không. Có một ngày nghỉ đúng nghĩa đối với giới trẻ là một điều khá xa xỉ, chỉ một chốc quên cầm điện thoại, bạn hoàn toàn có thể bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, vô trách nhiệm.
Giới trẻ ngày nay giải quyết công việc mọi lúc, mọi nơi qua điện thoại và laptop.
“Gập laptop thì mở điện thoại, chẳng thể rời được một phút”
Thục Linh (24 tuổi, ở Hà Nội) là một nhân viên sáng tạo nội dung. Công việc của cô là nhận dự án của các brand, nghĩ kịch bản và cùng đồng đội thực hiện hóa cho những ý tưởng của mình để cho ra những sản phẩm hoàn chỉnh nhất. Có thể nói, một ngày của cô bạn 9X chỉ xoanh quanh chiếc laptop, không dám rời xa nửa bước.
“C ả team mình ai cũng vậy, luôn trong trạng thái ‘sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đón nhận’ những dự án mới hay đóng góp của khách. Ở nội bộ, mình và đồng đội phải liên tục check tin nhắn để kịp thời hỗ trợ nhau, còn đối với khách hàng, chúng mình luôn tiếp thu phản hồi từ họ để chỉnh sửa, bổ sung sao cho dự án được hoàn thành nhanh chóng và trọn vẹn nhất có thể. Cứ gập laptop thì lại mở điện thoại, chẳng thể rời được một phút ”, Linh chia sẻ.
Vừa đi du lịch vừa làm việc là chuyện thường thấy như cơm bữa.
Chính vì vậy, 9X gần như chưa có một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa kể từ khi bắt đầu đi làm. Cô ở văn phòng từ 8-10 tiếng mỗi ngày để chạy dự án, tối về đến nhà điện thoại vẫn nhảy tin nhắn liên tục, cái gì cần sửa hay góp ý thì phải làm gấp luôn. Cuối tuần, trong khi mọi người lên đồ đi chơi thì Linh lên đồ để ra quán cà phê ngồi làm việc, hoặc nếu gặp mặt bạn bè thì cũng phải mang laptop theo bên mình cho yên tâm, khi nào bị sếp hay đồng nghiệp gọi thì xử lý luôn.
Cuối tuần lại ra quán cà phê để tranh thủ làm nốt việc.
Khi nhiều dự án ngày nay chủ yếu đều có thể hoàn thành qua một chiếc laptop và mạng internet, dòng chảy công việc sẽ trôi liên tục đòi hỏi bạn - một mắt xích trong đó phải cập nhật và triển khai càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến tiến độ chung. Không chỉ Thục Linh mà chắc chắn nhiều người khác cũng vậy - lâu lắm rồi chưa dám tắt chuông điện thoại để có một ngày nghỉ đúng nghĩa.
“Không làm được thì nghỉ đi”
Thục Linh cho hay, khi ở công ty cũ, vì chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nên 9X không tránh khỏi sai sót. Cô cho rằng chỉ cần làm xong việc của mình là đủ nên luôn cố gắng chạy deadline sớm để cuối tuần nghỉ ngơi, đây cũng là lý do khiến Linh nghỉ làm.
" Bình thường cuối tuần mình vẫn online nhưng hôm đó là vào dịp lễ 2/9, mình đi du lịch nên đã tắt hết thông báo tin nhắn cho đỡ... phiền vì cũng xong việc rồi. Mình thoải mái tận hưởng khoảng thời gian bên gia đình cả ngày, cho đến khi cầm điện thoại lên thì thấy thông báo tin nhắn nhảy dồn dập. Lúc đó mình mới biết kế hoạch mình làm phải sửa gấp nhưng không kịp nữa rồi ", cô bạn nhớ lại.
Không kịp thời kiểm tra tin nhắn có thể ảnh hưởng đến công việc của cả tập thể.
Linh nói thêm: " Đó cũng là lúc mình nhận được tin nhắn 'Không làm được thì nghỉ đi từ sếp'. Anh ấy bảo mình vô trách nhiệm với công việc và đồng nghiệp, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Sau đó, mình đã xin nghỉ việc vì tự ái, thậm chí còn quay ngược lại trách sếp không cho nhân viên nghỉ lễ nữa cơ ".
Nhiều người bị sếp mắng vô trách nhiệm vì không chủ động kiểm soát luồng công việc, đi chơi tắt thông báo tin nhắn điện thoại.
Tương tự, Phương Nhi (23 tuổi, ở TP.HCM) cho hay thời gian đầu đi làm của cô rất khó khăn vì ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ do phải chạy theo công việc. Cũng giống Linh, Phương Nhi từng vài lần bị sếp gọi điện thoại vì không check kịp tin nhắn. " Ngay cả cuối tuần công ty mình vẫn làm việc online với khách hàng. Mình không tắt thông báo tin nhắn nhưng để im lặng, không kịp xuất hiện khi sếp cần nên cũng bị mắng vô trách nhiệm, làm việc không có tâm. Từ đó trở đi, mình đi đâu cũng phải để điện thoại trước mặt ", Nhi chia sẻ.
Sau khi bị sếp mắng làm việc chưa có tâm, Phương Nhi đã chủ động hơn với những dự án mình đảm nhận.
Chấp nhận "sống chung với lũ"
Chắc hẳn rất nhiều nhân viên văn phòng hay freelancer (người làm công việc tự do) khác đều gặp phải trường hợp nghỉ ngơi trong nơm nớp lo sợ, giật mình thon thót mỗi khi có thông báo tin nhắn. Nhiều người có lịch làm việc rõ ràng, đi làm hưởng lương, nghỉ ngơi theo đúng chế độ, nhưng cũng có công việc có tính cập nhật liên tục mỗi ngày đòi hỏi người làm phải linh hoạt và thích nghi. Như Thục Linh chia sẻ: " Ngày xưa mình đã non lại còn cái tôi lớn, sếp mắng đúng thì giãy nảy lên xin nghỉ. Bây giờ mình luôn chủ động check công việc dù trong tuần hay ngày nghỉ, thậm chí hôm nào im ắng quá, không thấy tin nhắn thì còn lo hơn cơ ".
Thục Linh cho rằng thay vì oán trách không có ngày nghỉ thì nên thay đổi bản thân để thích nghi với công việc mình lựa chọn.
Xác định theo đuổi nghề gì thì ta nên chấp nhận môi trường và tính chất công việc đó, "nhập gia tùy tục", nhất là khi liên quan đến cả tập thể. Các bạn trẻ hay buồn bực, khó chịu vì bị sếp giục liên hồi vào cuối tuần nhưng thử nghĩ xem, nếu không có sự cố hay công việc phát sinh thì chẳng ai rảnh để tìm đến bạn đâu. Ai cũng có nhu cầu được nghỉ ngơi sau những ngày làm mệt mỏi, nhưng nếu công việc cần, bạn nhất định phải có mặt đúng lúc.
Ai cũng có những lúc cần nghỉ ngơi, thư giãn, nhưng trước hết hãy chủ động xử lý công việc ổn thỏa để không làm ảnh hưởng đến người khác.
Đôi khi không nhất thiết vào cuối tuần hay lễ tết mới cần nghỉ ngơi đúng nghĩa. Bất cứ khi nào đuối sức, hãy sắp xếp công việc ổn thỏa, nhờ ai đó phụ trách hộ nếu có phát sinh, xin nghỉ phép để tự mình "F5" lại thể chất và tâm hồn. Khi đó, bạn vừa có thể đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung, vừa tạo được không gian riêng cho mình, thoải mái ném điện thoại, laptop sang một bên mà không sợ bị chê trách.
Nghỉ ngơi là cách để bản thân xả stress, lấy đà và chạy xa hơn, nhưng đừng để thời gian quý giá này biến mình thành người vô trách nhiệm bạn nhé!
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN !
Nghỉ lễ hay nghỉ cuối tuần là thời gian để ta thư giãn và tái tạo năng lượng. Việc tắt hết thông báo tin nhắn có thể giúp ta tránh áp lực và giúp tâm trạng thoải mái hơn, tuy nhiên đây cũng là hành động thiếu trách nhiệm khi bỏ lỡ các thông tin quan trọng liên quan đến công việc, gây khó khăn cho đồng nghiệp của mình.
Do đó, vào ngày nghỉ, ta hãy chủ động cân bằng giữa thời gian dành cho cuộc sống cá nhân và công việc, hoàn thiện và rà soát công việc trước đó một cách hoàn chỉnh nhất để tránh phát sinh, rủi ro. Mong rằng các bạn đọc của YAN sẽ có ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 thật tuyệt vời bên cạnh người thân và bạn bè.
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY