Tất tần tật về vòng sơ loại FIBA châu Á 2025, "sân khấu lớn" của đội tuyển bóng rổ Việt Nam
Đội tuyển bóng rổ Việt Nam sẽ tham dự vòng sơ loại FIBA châu Á vào tháng 11/2022. Ảnh: Huy Phạm
FIBA Asia Cup là giải đấu cao cấp nhất dành cho các đội tuyển bóng rổ ở châu Á, thường diễn ra 2 năm 1 lần. Ngay s au SEA Games 31, đội tuyển bóng rổ Việt Nam sẽ có một cuộc hành trình ở sân chơi châu lục, khi tham dự vòng sơ loại FIBA châu Á (FIBA Asia Cup Pre-Qualifiers).
Thông tin chi tiết về vòng sơ loại FIBA châu Á 2025
Vòng sơ loại đầu tiên của FIBA châu Á 2025 sẽ bao gồm 18 đội, được chia làm 2 khu vực Đông và Tây châu Á. Tất cả sẽ tranh tài với nhau qua 2 vòng sơ loại trải dài trong năm 2022 và 2023, nhằm tìm ra 4 cái tên sẽ góp mặt cùng 16 đội tuyển trước đó tranh tài ở vòng loại cuối cùng vào năm 2024.
Theo kết quả bốc thăm, đội tuyển bóng rổ Việt Nam sẽ rơi vào bảng D cùng với các đối thủ như Tahiti, Thái Lan, Malaysia và Mông Cổ. Tuy nhiên, Tahiti đã sớm rút lui và không thể thi đấu. Họ sẽ thi đấu vòng tròn 1 lượt, nhằm tìm ra 3 đội bóng xuất sắc nhất lọt vòng vòng sơ loại thứ 2. Địa điểm thi đấu của bảng D sẽ diễn ra ở Mông Cổ, thay thế cho Sri Lanka không đạt yêu cầu đến từ FIBA.
Ở các bảng đấu còn lại, sự rút lui của 5 quốc gia khác đã khiến bảng A và B còn lại 3 đội bóng, trong khi bảng C cũng chỉ có sự góp mặt của 2 đại diện. Tất cả các đội bóng này sẽ mặc định lọt vào vòng sơ loại thứ 2. Sáu đội bóng ở bảng A và B sẽ hợp thành bảng E, trong khi bảng F sẽ là tập hợp của Singapore, Guam ở bảng C và 3 cái tên đứng đầu bảng D.
Thành tích của các đội bóng ở vòng sơ loại 1 sẽ được giữ nguyên để tiếp tục thi đấu ở vòng 2. Hai đội bóng đứng đầu bảng E và F sẽ bước vào vòng loại cuối cùng để tham dự vòng chung kết FIBA Asia Cup 2025.
Với kế hoạch trước đó, vòng sơ loại FIBA châu Á sẽ diễn ra từ ngày 31/5 cho đến ngày 5/6, chưa đầy 10 ngày sau khi kết thúc SEA Games 31. Tuy nhiên, thầy trò HLV Kevin Yurkus sẽ có thêm một quãng thời gian dài để nghỉ ngơi và chuẩn bị, sau khi lịch thi đấu của Việt Nam tại các trận sơ loại đã được dời lại vào tháng 11/2022.
Đối thủ của đội tuyển bóng rổ Việt Nam tại vòng sơ loại FIBA châu Á 2025
Nhìn vào những cái tên góp mặt tại bảng D, Việt Nam đang là đội bóng có những bất lợi nhất định nếu so sánh về thực lực với 2 đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á. Dù đang có sự nổi lên trong thời gian gần đây, vẫn không thể chối bỏ một sự thật rằng cả Thái Lan và Malaysia đều đang có vị trí tốt hơn Việt Nam trên BXH FIBA, đồng thời có nhiều kinh nghiệm hơn ở sân chơi châu lục.
Bên cạnh đó, Mông Cổ cũng là một quốc gia chứa đựng nhiều ẩn số, khi không có tên trên BXH FIBA. Nhưng với tính chất của một cuộc thi đấu thể thao chuyên nghiệp, đội tuyển Việt Nam vẫn cần phải thận trọng trước bất kỳ đối thủ nào.
Với việc có 4 quốc gia tham dự và lấy 3 cái tên đầu bảng vào vòng sơ loại thứ 2, cơ hội cho đội tuyển bóng rổ Việt Nam tại vòng sơ loại 1 của FIBA châu Á là rất lớn. Không loại trừ khả năng, đội tuyển bóng rổ Việt Nam sẽ làm nên bất ngờ trong lần trở về "sân khấu lớn".
Trong quá khứ, thành tích tốt nhất mà đội tuyển bóng rổ Việt Nam mang lại ở sân chơi FIBA châu Á đã diễn ra từ tận năm 1963 với vị trí thứ 8 chung cuộc. Sau kỳ FIBA 1965, đội tuyển bóng rổ Việt Nam biến mất hoàn toàn ở sân chơi quốc tế. Tính ở thời điểm hiện tại, đội tuyển bóng rổ Việt Nam xếp hạng 141/164 toàn thế giới.
Quy định về cầu thủ nhập tịch/2 dòng máu tại vòng sơ loại FIBA châu Á 2025
Tại SEA Games 31, các đội bóng được toàn quyền triệu tập số lượng các cầu thủ mang 2 dòng máu thi đấu cho tuyển quốc gia. Thậm chí, các cầu thủ nhập tịch cũng được sử dụng để gia tăng tính cạnh tranh, cũng như tạo nên sự hấp dẫn của giải đấu.
Tuy nhiên, vòng sơ loại của FIBA châu Á 2025 là một câu chuyện khác. Tất cả các đội bóng sẽ phải tuân thủ quy định của Liên đoàn Bóng rổ thế giới, đồng nghĩa chỉ được sử dụng 1 cầu thủ nhập tịch sau năm 16 tuổi. Quy định này cũng được áp dụng đối với các cầu thủ mang 2 dòng máu, nhưng có hộ chiếu theo đất nước thi đấu sau độ tuổi kể trên.
Như vậy, đội tuyển bóng rổ Việt Nam sẽ chỉ được sử dụng 1 trong những cái tên Việt kiều sáng giá nhất như Christian Juzang, Đinh Tham Tâm, Chris Dierker hay Justin Young để thi đấu ở vòng sơ loại FIBA châu Á 2025. Trần Khoa Đăng sẽ được tính như nội binh, bởi anh đã có quốc tịch Việt Nam trước năm 16 tuổi.
Do đó, đội tuyển bóng rổ Việt Nam ở vòng sơ loại FIBA châu Á sẽ là tập hợp của những nội binh xuất sắc nhất kết hợp với 1 Việt kiều. Đây cũng sẽ là cơ hội cho những Võ Kim Bản, Nguyễn Huỳnh Phú Vinh, Đặng Thái Hưng chứng tỏ mình ở sân chơi châu lục. Thậm chí, những cái tên không được lựa chọn ở SEA Games 31 như Triệu Hán Minh, Hoàng Thế Hiển cũng sẽ có cơ hội thể hiện mình trong màu áo Việt Nam.