Tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh
Ngân hàng Nhà nước mới đây ngoài yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh cũng cần hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay vào những lĩnh vực ưu tiên.
Trong bối cảnh biến động tỷ giá, lạm phát toàn cầu đang gây ra những tác động lớn đến thị trường tiền tệ trong nước, việc phải điều chỉnh chính sách lãi suất cho phù hợp để đối phó là điều khó tránh khỏi với một nền kinh tế hội nhập và có độ mở lớn như Việt Nam. Chẳng hạn, ngoài việc hỗ trợ kiểm soát lạm phát, việc tăng lãi suất huy động thời gian qua của các ngân hàng còn để nhằm đảm bảo giá trị của VND trước sự mất giá của hàng loạt ngoại tệ mạnh khác so với USD.
Toàn bộ khách hàng thuộc nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường… của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam vừa chính thức được giảm 1% lãi suất vay vốn trong những tháng cuối năm. Tính chung, quy mô dư nợ được giảm lãi suất ước lên tới 500 nghìn tỷ đồng, bằng gần một nửa danh mục tín dụng của ngân hàng.
Còn Ngân hàng TMCP An Bình đang rà soát các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hưởng hỗ trợ lãi suất. Đồng thời các chương trình hỗ trợ cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh cho cả năm sau cũng đã sẵn sàng.
Tốc độ tăng lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng đẩy nhanh hơn lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 - 4%/năm so với cuối năm ngoái. Trong khi lãi suất cho vay chỉ tăng thêm từ 1 - 3%/năm tùy trường hợp . Do vậy dư địa để giảm hoặc giữ lãi suất cho vay là không quá rộng rãi.
"Chúng tôi đang nhận được sự giải ngân vốn kịp thời, đúng thời điểm để sẵn sàng đẩu tư cho cả năm tới trong ngành hàng điện gia dụng và cả những lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn", ông Masataka Sato - Giám đốc Kế hoạch và Chiến lược Tập đoàn Kangaroo cho biết.
Trong tháng cuối cùng của năm này, chỉ còn chưa tới 2% dư địa để tăng trưởng tín dụng trong ngưỡng 14% mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra cho cả năm nay. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản yêu cầu những ngân hàng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng phải chủ động cân đối nguồn vốn, tích cực giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp...