Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chuyển đổi số toàn diện cùng FPT
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và FPT chính thức khởi động dự án Tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện cho Petrolimex đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Buổi lễ khởi động dự án là điểm nhấn, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hợp tác giữa hai tập đoàn.
Trên chặng đường hơn 66 năm hoạt động, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đạt được những thành tựu đáng kể trong triển khai số hóa dữ liệu và xây dựng quy trình như ứng dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP - SAP, hệ thống hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hệ thống quản trị cửa hàng bán lẻ xăng dầu Egas…
Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT nhưng là sự phát triển mang tính đột phá, giúp triển khai tập trung, đồng bộ các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lên môi trường số để đạt mục tiêu, yêu cầu của dự án theo đúng tinh thần, định hướng của Nghị quyết số 93-NQ/ĐU ngày 12/11/2021.
Chiến lược chuyển đổi số sẽ định hình, định hướng và xác định các nội dung cơ bản của quá trình chuẩn bị, thực hiện chuyển đổi số tại tập đoàn, khối các công ty xăng dầu; định hướng chuẩn hóa, tích hợp đồng bộ với các tổng công ty/công ty chuyên doanh/hệ thống nhượng quyền thương mại; đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đồng thời đảm bảo tính thực tế, khả thi và hiệu quả, làm cơ sở vững chắc để xây dựng lộ trình, các chương trình, dự án chiến lược hoặc kế hoạch thường niên của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Dự án được chia làm hai giai đoạn. FPT Digital, công ty thành viên thuộc tập đoàn FPT, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, sẽ đảm nhận vai trò chủ lực trong dự án này. Bước đầu, FPT Digital sẽ khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành số tại Petrolimex. Ở giai đoạn tiếp theo, FPT Digital sẽ tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số, gồm các thành phần: chiến lược và lộ trình chuyển đổi số, quy hoạch tổng thể kiến trúc CNTT và Tự động hóa, kế hoạch truyền thông và đào tạo về chuyển đổi số; đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động bàn giao, hướng dẫn và đào tạo thực hiện triển khai lộ trình chuyển đổi số. Các hoạt động của dự án được triển khai tại công ty mẹ và 43 công ty xăng dầu thành viên, cùng yêu cầu tích hợp và đồng bộ với 7 tổng công ty/công ty chuyên doanh lớn.
"Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện mọi hoạt động của Petrolimex, bao gồm sự lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng, công tác quản lý, chỉ đạo điều từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Tư vấn chiến lược chuyển đổi số là bước đi quan trọng, khởi đầu cho việc chuẩn bị triển khai theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 93-NQ/ĐU với 6 quan điểm chỉ đạo và 3 mục tiêu cơ bản đã đặt ra"
"Chúng tôi rất vui mừng khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã sớm tập trung nguồn lực cho hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để gia tăng thêm sức bật cho doanh nghiệp bởi trên nền tảng đó sẽ gia tăng hiệu suất công việc của cán bộ - nhân viên, tạo sự đột phá về chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, Petrolimex còn gia tăng thêm khả năng chuẩn bị, ứng phó trước các bất định, tiếp tục trở thành đơn vị chủ lực của ngành xăng dầu và hóa dầu quốc gia"
Thay mặt Ban điều hành, Tổng giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải bày tỏ sự tin tưởng rằng đối tác FPT sẽ thấu hiểu đầy đủ các bài toán của Petrolimex, giúp Petrolimex lựa chọn được các lời giải phù hợp với thực tế, làm cơ sở đề xuất một Chiến lược Chuyển đổi số hiệu quả, thành công cho Petrolimex; trong đó, cần tập trung làm rõ và sâu sắc các công nghệ của cách mạng 4.0 và chuyển đổi số có thể áp dụng tại Petrolimex; công tác triển khai cần thực hiện đồng bộ, toàn diện, từ tập đoàn đến công ty, chi nhánh, tổng kho, kho và cửa hàng với sự vào cuộc quyết liệt từ tất cả các cấp nhằm đạt kế hoạch hoàn thành báo cáo khảo sát đánh giá hiện trạng cuối năm 2022, đề xuất chiến lược chuyển đổi số trong tháng 3/2023. Tổng Giám đốc Đào Nam Hải đề nghị phía FPT chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm quý giá của mình giúp Petrolimex hình thành đội ngũ cán bộ số, văn hóa số để trở thành Doanh nghiệp Số thành công vào năm 2025.
Lãnh đạo hai bên đều nhất trí rằng, chuyển đổi số có yêu cầu về nội dung, khối lượng công việc lớn, đa dạng và phức tạp, vì vậy phải xác định nội dung, lộ trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với các nguồn lực, bảo đảm tính thực tế, khả thi và hiệu quả. Cách làm phải phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể, không chậm trễ, không nóng vội, cần phải đánh giá để ưu tiên giải quyết những vấn đề có tính cấp bách, nút thắt, có tính hiệu quả cao.