Tập đoàn Thái Lan SCG có thể hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy ở Việt Nam
Trước nhiều sức ép từ đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và lạm phát toàn cầu, Siam Cement Group (SCG) – công ty sản xuất nguyên vật liệu lớn nhất Thái Lan – đã tạm ngừng niêm yết cổ phiếu với một công ty con và có thể trì hoãn khởi công nhà máy mới.
Tập đoàn Thái Lan SCG có thể hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy ở Việt Nam
Trước nhiều sức ép từ đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và lạm phát toàn cầu, Siam Cement Group ( SCG ) – công ty sản xuất nguyên vật liệu lớn nhất Thái Lan – đã tạm ngừng niêm yết cổ phiếu với một công ty con và có thể trì hoãn khởi công nhà máy mới.
SCG dự định xây dựng một nhà máy sản xuất bìa cứng tại khu công nghiệp Bình Xuyên ở tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội 1 giờ lái xe. Được biết, tỉnh Vĩnh Phúc cũng là nơi đặt nhà máy của Toyota Motor, Honda Motor và các công ty đa quốc gia khác.
Đây là nhà máy liên doanh giữa SCG và Rengo – công ty sản xuất bìa cứng hàng đầu Nhật Bản. Với công suất theo kế hoạch là 370,000 tấn bìa cứng một năm, nhà máy này dự kiến hoạt động thương mại vào đầu năm 2024. Tuy nhiên, tới cuối tháng 1/2023, nơi đây vẫn là một bãi đất trống.
Nhà máy liên doanh này sẽ đóng vai trò là trung tâm cung ứng cho miền bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế bất ổn của Trung Quốc và phương Tây đã ảnh hưởng tới kế hoạch xây dựng nhà máy mới của SCG .
“Tại thời điểm này, sản xuất càng nhiều bìa cứng thì lại càng lỗ”, một nguồn tin trong ngành bìa cứng cho biết. “Cần thời gian để mọi thứ hồi phục trở lại”.
Truyền thông Thái Lan đưa tin việc khởi công nhà máy mới của SCG sẽ bị trì hoãn 1 năm.
Ngoài ra, việc niêm yết một công ty con của SCG cũng bị trì hoãn. Công ty hóa chất SCG Chemicals từng được kỳ vọng niêm yết lên sàn vào năm 2022. Nhưng đến nay, đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty này vẫn còn chưa hoàn tất. Trước đó, SCG Chemicals dự kiến huy động được 38.5 tỷ Bath (1.15 tỷ USD ) từ đợt IPO.
Với lượng tiền dự kiến thu về từ đợt IPO, SCG sẽ dùng phần lớn để xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn ở miền Nam Việt Nam. Với tổng chi phí xây dựng hơn 5 tỷ USD , tổ hợp này có công suất dự kiến 1.4 triệu tấn nhựa mỗi năm. Trước đó, tổ hợp này được kỳ vọng đi vào hoạt động từ giữa năm 2023. Tuy nhiên, một chuyên viên phân tích nhận định kế hoạch này có thể bị trì hoãn.
Lợi nhuận giảm 55% trong năm 2022
Năm 2022, lãi ròng của SCG giảm 55% so với cùng kỳ, xuống 21.3 tỷ Bath. Đà giảm đến chủ yếu từ mảng hóa chất với lợi nhuận lao dốc 80% so với cùng kỳ. Mảng giấy và xi măng cũng ảm đạm, trong khi chi phí điện và các chi phí khác lại gia tăng.
Năm 2023 có lẽ cũng sẽ là một năm khó khăn cho SCG khi nhu cầu với các sản phẩm từ SCG vẫn chưa cải thiện, trong khi chi phí vẫn còn cao.
Ngoài ra, SCG cũng đối mặt với thách thức từ việc giảm bớt phát thải CO2, trong đó hóa dầu và xi măng nằm trong các lĩnh vực phát thải nhiều nhất. Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư theo các quy chuẩn về ESG ngày càng cao, SCG cũng chịu nhiều áp lực phải đưa ra động thái giảm bớt phát thải.
Do đó, vào tháng 10/2022, SCG thông báo sẽ xây dựng một nhà máy hóa chất liên doanh với Denka (Nhật Bản) ở Thái Lan. Mục đích của nhà máy là để sản xuất axetylen đen, một nguyên liệu được sử dụng trong pin lithium-ion dành cho xe điện.
Trong tháng 9/2022, SCG mua lại một công ty Mỹ chuyên cung cấp 100,000 tấn giấy vụn để tái chế mỗi năm. Và trong tháng 1/2023, SCG thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm thực địa cho các hoạt động thu hồi và tái chế carbon đối với mảng xi măng vào cuối năm 2024.
Về tình hình tài chính, SCG đang gánh khoản nợ ròng 270 tỷ Bath vào cuối năm 2022, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)