Tập đoàn TCP đặt mục tiêu củng cố vị thế dẫn đầu ngành đồ uống
Đặt mục tiêu tăng doanh thu gấp đôi lên 2,5 tỷ USD trong 3 năm tới, CEO của Tập đoàn TCP - chủ sở hữu thương hiệu nước tăng lực Red Bull và Warrior, cũng nhận định Việt Nam là thị trường trọng điểm đóng góp cho tham vọng mới.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây, ông Saravoot Yoovidhya - Tổng giám đốc Tập đoàn TCP, chủ sở hữu thương hiệu nước tăng lực Red Bull và Warrior đến từ Thái Lan - cho biết trong 3 năm tới sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường tại Thái Lan và các thị trường toàn cầu. Ông đồng thời đánh giá cao tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
"Phải nói là tôi thực sự ấn tượng, bởi so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã đứng vững trước dịch COVID-19 theo cách riêng của mình. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng Việt Nam đã phục hồi rất nhanh. Điều đó làm chúng tôi vô cùng ấn tượng", ông Saravoot Yoovidhya chia sẻ. Bên cạnh đó, ông cho biết, có nhiều yếu tố thuyết phục Tập đoàn TCP lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để đặt văn phòng quốc tế vào năm 2018.
"Trước hết, chúng tôi có ấn tượng rất tốt với Việt Nam. Đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP hai năm liên tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu. Ngoài ra, lối sống của người tiêu dùng Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng cao. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng tới 30% chi tiêu hàng tháng của các hộ gia đình Việt Nam," CEO cho biết.
Vị doanh nhân người Thái chia sẻ thêm: "Trong những tháng vừa qua, lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu và ảnh hưởng rất nhiều đến chính phủ và ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia. Tôi vừa đọc một bài viết được đăng tải trên tờ báo hàng đầu về phân tích tài chính, trong đó nhận định rằng chúng ta sẽ không dễ vượt qua lạm phát, đặc biệt là ở Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam được dự đoán sẽ phục hồi nhanh hơn so với các nước khác. Thêm vào đó, lực lượng lao động của Việt Nam không chỉ trẻ mà còn có năng lực cao. Do đó nhiều công ty nước ngoài đã và đang đầu tư vào Việt Nam để mở rộng việc kinh doanh của họ."
Lựa chọn Việt Nam là một trong những trọng điểm đầu tư
Trong kế hoạch của TCP, ông Saravoot Yoovidhya cho biết, Tập đoàn dự kiến tổng vốn đầu tư 3 năm tới lên đến 340 triệu USD, tiếp tục mở rộng tại thị trường Thái Lan và các thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất tại các thị trường nước ngoài, đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu hàng năm lên 2,5 tỷ đô la Mỹ trong vòng 3 năm (2022 – 2024).
Ông cũng khẳng định, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu của Tập đoàn TCP. "Chúng tôi có kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời nỗ lực mở rộng hệ thống phân phối. Hiện tại, đây là tất cả những thông tin tôi có thể chia sẻ, nhưng chắc chắn Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu mà chúng tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới," vị CEO chia sẻ.
Trong tương lai, TCP tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng và thay đổi liên tục của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, trong giai đoạn 2022-2024, TCP công bố định hướng mới: "Tiếp năng lượng, bừng sức sống", với ba chiến lược phát triển chủ chốt được triển khai thống nhất tại các thị trường, bao gồm: Hoàn thiện, Phát triển và Quan tâm.
Với chiến lược Hoàn thiện, mang ý nghĩa tiếp năng lượng cho thương hiệu, trong 3 năm tới, TCP dự kiến ra mắt 10 sản phẩm mới gắn với thương hiệu Kratingdaeng hoặc Red Bull tại các thị trường. "Với định vị là "Ngôi nhà Của Những Thương hiệu Chất lượng" (House of Great Brands), TCP cũng sẽ cho ra mắt thêm nhiều thương hiệu mới tại các thị trường, đặc biệt tại châu Á. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phát triển ít nhất 5 sản phẩm mới trên cơ sở nghiên cứu, phân tích nhằm đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng về sức khỏe thể chất và tinh thần," ông Saravoot Yoovidhya chia sẻ.
Ở chiến lược Phát triển, TCP tiếp tục mở rộng thị trường Thái Lan và toàn cầu với tổng kế hoạch đầu tư 340 triệu USD, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất ở các thị trường nước ngoài, đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu hàng năm lên 2,5 tỷ USD trong vòng 3 năm. Tập đoàn dự kiến tăng cường chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ trong quản lý và phân tích dữ liệu, ứng dụng vào sản xuất thông minh, quản lý dữ liệu đa kênh đa tầng, xây dựng đội ngũ nhân sự phát triển công nghệ và chú trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống…
Với chiến lược Quan tâm, TCP chú trọng đầu tư vào các sáng kiến bảo vệ môi trường bền vững. Chiến lược tập trung vào ba thách thức cấp bách là: trung hòa carbon trong hoạt động vận hành trước năm 2050 tại tất cả các thị trường TCP tham gia; nền kinh tế tuần hoàn - hướng đến sản xuất 100% bao bì tái chế từ nay đến 2024; và quản lý bền vững tài nguyên nước: đặt mục tiêu cung cấp nước cho môi trường và cộng đồng nhiều hơn lượng nước mà tập đoàn này sử dụng vào năm 2030 (Net Water Positive). TCP cũng sẽ hợp tác cùng các đối tác tại ba quốc gia mà TCP đang đặt nhà máy bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, nhằm bảo vệ bền vững nguồn nước tại đây.
"Trong những năm tới, chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ đẩy mạnh sự hiện diện của TCP thông qua nhiều hoạt động mang dấu ấn TCP. Đồng thời, chúng tôi tuân thủ các chiến lược chủ chốt với mục tiêu củng cố vị thế dẫn đầu ngành đồ uống và phát triển bền vững trên toàn cầu, gồm: Hoàn thiện, Phát triển và Quan tâm, với định hướng mới ‘Tiếp năng lượng, Bừng sức sống’", ông Saravoot Yoovidhya khẳng định.