Tập đoàn LEGO với công thức tạo nên những nhà máy không khói và dự án tỷ đô tại Việt Nam
Các chính sách môi trường của LEGO chủ yếu chú trọng xây dựng một tương lai bền vững, tác động tích cực đến môi trường bao gồm vật liệu, bao bì, năng lượng tái tạo, hiệu quả carbon, không chất thải, công nghệ cải tiến.
Tập đoàn LEGO được thành lập vào năm 1932 tại Billund, một thị trấn nhỏ, hẻo lánh ở Đan Mạch. Người sáng lập ra nó, Ole Kirk Christiansen, đã ghép hai từ tiếng Đan Mạch “leg godt” (chơi tốt) để tạo thành tên của công ty.
Tại thời điểm công ty tập trung vào sản xuất đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em; vào năm 1958, Tập đoàn LEGO đã tung ra loại gạch lắp ghép trở thành sản phẩm cốt lõi của công ty. Khả năng vui chơi và sáng tạo dường như vô hạn mà viên gạch mang lại đã biến Tập đoàn LEGO từ xưởng mộc nhỏ ở địa phương thành nhà sản xuất đồ chơi cho trẻ em trên toàn thế giới.
Hiện nay, Tập đoàn hàng đầu Châu Âu có quy mô phân phối rộng khắp đến 130 quốc gia, từ quy chuẩn xây dựng nhà máy đến hệ thống vận hành máy móc, nhân sự quản lý đều được chọn lọc khắt khe.
Năm 2014, The Lego Movie đã thu về 500 triệu đô la Mỹ. Một năm sau, Brand Finance tuyên bố LEGO đã lật đổ Ferrari để trở thành thương hiệu quyền lực nhất thế giới, với lợi nhuận tăng vọt từ 311,5 triệu USD năm 2009 lên 1,9 tỷ USD vào năm 2021.
Tiêu chí số một trong các nhà máy là phải trung hòa carbon, không phát thải thêm CO2, 100% năng lượng hàng ngày sẽ được đáp ứng bằng các tấm pin mặt trời và một công viên năng lượng mặt trời. Công viên này cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và sử dụng các tài nguyên không thể tái tạo. Các nhà máy LEGO sử dụng công nghệ chính xác để tạo khuôn, xử lý và đóng gói các sản phẩm LEGO đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng.
Điển hình dự án nhà máy tại Jiaxing, Trung Quốc được khai trương năm 2016 đã sử dụng 17.400 tấm pin mặt trời, lắp đặt trên các mái nhà, dự kiến tạo ra hơn 7.000 MWh hàng năm. Hay việc mở rộng 33.850 m² tại nhà máy ở Monterrey, Mexico cuối năm nay sẽ sử dụng 1.135 tấm pin mặt trời mang nguồn năng lượng tái tạo.
Các nhà máy được mở rộng diện tích bao gồm một nhà kho trên cao hoàn toàn tự động và một tòa nhà dành riêng để lắp ráp, trang trí các sản phẩm LEGO cho thấy sự khoa học, tính toán kỹ lưỡng trong thiết kế xây dựng của tập đoàn này.
Hiện tại tập đoàn đặt nhà máy sản xuất tại các nước Đan Mạch, Mexico, Trung Quốc, Hungary, CH Séc và sắp tới sẽ là Việt Nam. Doanh nghiệp chú trọng đến vị trí đặt các nhà máy nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới nhằm rút ngắn khoảng cách vận chuyển các sản phẩm, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng và quản lý lượng khí thải carbon thải ra môi trường.
Trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với các đối tác cũng tuân thủ những nguyên tắc kinh doanh mà LEGO đặt ra, tạo thành chuỗi cung ứng linh hoạt. Các nhà cung cấp cần đáp ứng hợp đồng và sự chấp thuận của LEGO về vật liệu, thành phần và bao bì cho các sản phẩm LEGO. Trong quá trình, các đơn vị sẽ có trách nhiệm giải trình, thẩm định đảm bảo tuân thủ liên tục sự cải tiến.
Những nhân viên lành nghề được đào tạo công nghệ đúc chính xác, trình độ cao và được truyền cảm hứng để trở thành những nhà xây dựng của tương lai.
Mới đây, sau 11 tháng ký kết biên bản ghi nhớ, LEGO chính thức khởi công nhà máy tại Bình Dương.
Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của công ty tại Việt Nam và lớn nhất Châu Á hướng tới tiêu chuẩn chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design), chứng chỉ của Hội đồng xây Dựng Xanh của Mỹ. Nhà máy xây dựng các tấm pin mặt trời trên mái và một dự án năng lượng mặt trời xây dựng gần tại nhà máy, kế hoạch sẽ đáp ứng tất cả các 100% yêu cầu năng lượng hàng năm và cung cấp các phương tiện chạy điện.
Bên cạnh đó, hệ thống nhà máy giúp tiết kiệm nước lên tới 40%. Về vấn đề xử lý rác thải, LEGO sẽ không sử dụng phương pháp chôn lấp. Các loại xe điện được thiết kế vận hành và trang bị các thiết bị sản xuất giúp nâng cao hiệu quả năng lượng. Dự kiến, tập đoàn LEGO cùng với VSIP sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy.
Dự án đầu tư 1 tỷ USD của tập đoàn tại Bình Dương là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 ở châu Á, sau Trung Quốc. Đây cũng là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam. Ngày 3/11, tập đoàn LEGO chính thức khởi động dự án xây dựng nhà máy, kỳ vọng đến năm 2024 sẽ xuất xưởng sản phẩm đầu tiên và sẽ phục vụ các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.