Tập đoàn EVN dự kiến lỗ năm 2023 khoảng 64.900 tỷ đồng, xin tăng giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xin tăng giá điện vì năm 2023 có thể lỗ tới khoảng hơn 64.900 tỷ đồng, cao gấp 2 lần năm ngoái.
Theo dự báo gần nhất gửi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) muốn xin tăng giá điện vì năm 2023 có thể lỗ tới khoảng 64.900 tỷ đồng, hơn gấp 2 lần con số lỗ trong năm vừa qua, truyền thông trong nước đưa tin.
Trong báo cáo vừa gửi Bộ trưởng Bộ Công thương của Tập đoàn EVN, đơn vị này cho biết ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.870 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ lớn năm 2022 được EVN trình bày là do thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.
Còn theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn EVN, doanh nghiệp này đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 u ám hơn năm qua rất nhiều.
Theo đó, năm 2023, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.940 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.
Trong đó, 6 tháng đầu năm nay, EVN dự kiến lỗ gần 44.100 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.840 tỷ đồng.
Lũy kế năm vừa qua và năm 2023, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN dự kiến lên tới hơn 93.800 tỷ đồng.
Cuối năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN. Tuy vậy, phương án này chưa được thông qua.
Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017, dựa trên biến động đầu vào của tất cả khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Theo Quyết định 24, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3 – 5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Mức biến động giá bán lẻ điện bình quân 5 – 10%, thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công thương và trên 10% Thủ tướng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ bình quân.
EVN đề xuất thay đổi và kiến nghị được áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, tương tự giá xăng dầu.
Ý kiến về đề xuất này, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết giá điện có đặc trưng khác giá xăng dầu và đã có cơ chế 6 tháng điều chỉnh một lần phù hợp với Quyết định 24 của Chính phủ.
Hồi tháng 9/2022, Bộ Công thương đề xuất thay vì EVN có quyền điều chỉnh giá điện từ 3% sẽ giảm xuống còn 1%. Theo đó, trường hợp các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với mức giá hiện hành, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng.
Đức Minh
Bộ Công thương: Đề xuất EVN có thể điều chỉnh giá bán điện khi giá đầu vào tăng 1%
Bộ Công thương cho biết dự thảo mới quy định Tập đoàn EVN có thể tăng/giảm giá điện khi biến động đầu vào thay đổi từ 1%, thay vì 3% như trước.