Tập đoàn EVN đề xuất tăng giá điện ngay trong năm 2022
Trước áp lực tài chính do dự kiến lỗ tới hơn 31.300 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi kiến nghị tới Bộ Công thương về việc quyết định điều chỉnh tăng giá điện ngay trong năm 2022.
Tập đoàn EVN dự báo lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng cả năm 2022
Tại Hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023, EVN công bố số lỗ dự kiến cả năm 2022 là khoảng 31.360 tỷ đồng, mức lỗ kỷ lục khiến EVN rơi vào mất cân đối về tài chính. Do vậy, tập đoàn này vừa gửi kiến nghị Bộ Công thương quyết định tăng giá điện ngay trong những ngày cuối năm, theo Tuổi Trẻ.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) là một trong những đơn vị trực thuộc EVN có số lỗ lớn lên tới 4.700 tỷ đồng. Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐQT cho hay giá mua điện theo kế hoạch là 1.809 đồng/kWh, nhưng thực tế giá mua là 2.400 đồng/kWh.
Bà Ánh cho biết nguyên nhân này khiến doanh nghiệp phải chi 3.700 tỷ đồng để bù giá.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn cắt giảm sản xuất đã ảnh hưởng đến lượng điện tiêu thụ của EVNNPC như: Hòa Phát dừng hoạt động 4 lò sản xuất thép, Samsung dừng toàn bộ hoạt động trong 15 ngày làm sụt giảm tới 300 triệu kWh, bà Anh cho biết.
Theo EVNNPC, tổng sản lượng điện thương phẩm theo kế hoạch năm 2022 là hơn 89 tỷ kWh nhưng thực tế chỉ đạt được 85,4 tỷ kWh, lần đầu ghi nhận mức tăng trưởng thấp trong nhiều năm trở lại đây với chỉ hơn 5%.
Trước thực trạng lỗ kỷ lục, ông Nguyễn Tài Anh – Phó tổng giám đốc EVN kiến nghị Bộ Công thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định.
Tuy vậy, nguồn thu tăng thêm chỉ đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh của năm 2023, trong khi khoản lỗ năm 2022 lên tới trên 31.300 tỷ đồng, chưa kể các khoản lỗ tỷ giá trước đó còn treo lại sẽ chưa thể được bù đắp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu vào tăng không ngừng trong khi chi phí đầu ra không đảm bảo được. Ông Hoàng Anh đề nghị các ban ngành có thêm ý kiến, người dân cần “chia sẻ khó khăn” với EVN.
Trước đó, Bộ Công thương đã công bố dự thảo quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để lấy ý kiến nhằm sửa đổi Quyết định 24 của Thủ tướng được thực hiện từ năm 2017.
Thay vì giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện điều chỉnh khi biến động giá đầu vào tăng từ 3% trở lên như trước đây, Bộ Công thương cho biết dự thảo mới quy định Tập đoàn Điện lực (EVN) có thể tăng/giảm giá điện khi biến động đầu vào thay đổi từ 1%.
Đức Minh
Bộ Công thương: Đề xuất EVN có thể điều chỉnh giá bán điện khi giá đầu vào tăng 1%
Bộ Công thương cho biết dự thảo mới quy định Tập đoàn EVN có thể tăng/giảm giá điện khi biến động đầu vào thay đổi từ 1%, thay vì 3% như trước.