Tạp chí của Đại học lừng danh Mỹ dự đoán Việt Nam là "Con hổ châu Á thứ 5": Lí do bất ngờ

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 14:06:15

Nếu duy trì tăng trưởng kinh tế thành công, Việt Nam rất có thể sẽ trở thành "Con hổ châu Á" tiếp theo và hàng triệu người sẽ được hưởng mức sống cao hơn.


Thành công đáng kinh ngạc

Tạp chí Chính trị Harvard (HPR, Harvard Political Review) là một tạp chí và trang web phi đảng phái của Mỹ chuyên viết về chính trị và chính sách công. Tạp chí được thành lập vào năm 1969 tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Tờ này đề cập tới các vấn đề trong nước và quốc tế và các sự kiện chính trị, cũng như các bài diễn văn chính trị tại Harvard.

Khi đến thăm Hà Nội hồi năm 2012, Jay Alver - cây viết của tờ HPR - bất ngờ khi thấy sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp tư nhân tại thành phố này. Trả lời cho bối rối của Alver, người hướng dẫn viên cho biết môi trường thương mại ngày càng tự do ở Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

"Những thành công về mặt kinh tế gần đây của Việt Nam rất đáng kinh ngạc"

Theo tạp chí Foreign Policy, từ năm 1986 trở lại đây, tăng trưởng GDP đạt mức trung bình ấn tượng 5,3% mỗi năm. Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây với mức tăng trưởng 7% hàng năm từ năm 2005 đến năm 2010.

Nếu mức tăng trưởng này duy trì bền vững, Việt Nam sẽ sánh ngang với Bốn con hổ châu Á hiện tại (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore), với trung bình tăng trưởng GDP hàng năm đạt 6% từ năm 1960 đến 1990.


Nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế

David Dapice, một giáo sư kinh tế của Đại học Tufts, Massachusetts và là người đóng góp cho chương trình Harvard Việt Nam, nhấn mạnh việc chính phủ đưa ra các chính sách "Đổi mới" vào năm 1986 đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Việt Nam.

Chính sách Đổi mới đã khuyến khích dòng vốn từ thế giới phương Tây bằng cách bắt đầu mở cửa cho thị trường tự do, hạ thấp hàng rào thuế quan, mở rộng xuất khẩu nông sản thông qua tự do hóa thương mại và gia nhập các khối thương mại khu vực. Việc phát hiện và phát triển trữ lượng dầu và khí tự nhiên ở Biển Đông cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.

Năm 2000, Việt Nam đã thực hiện một bước hướng tới đa dạng hóa bổ sung và bãi bỏ những quy định không cần thiết bằng cách ban hành Luật Doanh nghiệp, trong đó giảm tải một số lượng đáng kể các yêu cầu liên quan đến việc thành lập các doanh nghiệp tư nhân mới.

Người dân Việt Nam, đặc biệt là những người thành thị, đã đón nhận cải cách này một cách khá nhiệt tình. Nhiều tòa nhà cao và hẹp, đặc trưng của các đô thị miền Bắc Việt Nam, đã chuyển đổi tầng dưới cùng thành các cửa hàng bán hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam và các nước lân cận.

Tinh thần kinh doanh cũng lan tỏa tới những công dân không có căn nhà mặt tiền. Trong cùng chuyến đi được nêu trên, người viết đã chứng kiến hàng chục thợ cắt tóc dựng mở dịch vụ nhờ những "cửa hàng" dựa vào hàng rào bao quanh một công viên thành phố. Gương và các vật dụng tạo kiểu tóc được treo trên móc dọc hàng rào trong khi khách hàng ngồi trên ghế gỗ.

Luật Doanh nghiệp giải thích một phần lý do tại sao tăng trưởng của Việt Nam về cơ bản không giống với các thị trường châu Á mới nổi khác. Bất chấp sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu công nghiệp, tiêu dùng nội địa Việt Nam vẫn chiếm 65% sản lượng, so với 36% của Trung Quốc.

Theo bài nghiên cứu của Chương trình Harvard Việt Nam có tựa đề "Lựa chọn thành công", nền kinh tế Việt Nam khá đa dạng, với nền nông nghiệp và khai khoáng mạnh, đồng thời mở rộng nhanh chóng các lĩnh vực sản xuất, du lịch, tiện ích, xây dựng và tài chính.

Chính phủ thậm chí đã tận dụng thời kỳ tăng trưởng ổn định này để đầu tư vào các chương trình xóa đói giảm nghèo và điện. Theo Dapice, những yếu tố này làm cho mô hình phát triển của Việt Nam trở thành một tấm gương cho các nước đang phát triển khác đang tìm cách sử dụng tối đa các nguồn lực hiện có.


Con hổ châu Á thứ 5?

Bất chấp những vấn đề cần được giải quyết, Việt Nam vẫn có tiềm năng to lớn. Theo IMF, nền kinh tế của Việt Nam vẫn nhỏ hơn so với Thái Lan và Philippines, nhưng với khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Tăng trưởng của Việt Nam cũng rất đa dạng, thay vì dựa nhiều vào xuất khẩu công nghiệp.

Nhìn chung, tiếp tục thực hiện cải cách là việc cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế từ nguồn nhân lực và vật chất dồi dào, Việt Nam có tiềm năng giữ vững mức tăng trưởng hiện có trong tương lai gần. Nếu thành công, Việt Nam rất có thể trở thành "Con hổ châu Á" thực sự tiếp theo, và hàng triệu người sẽ được hưởng mức sống cao hơn.


Theo Tất Đạt

Tổ Quốc

Chia sẻ Facebook