Tạo phôi thai chuột hoàn toàn từ tế bào gốc
Các nhà khoa học Israel đã tạo ra "phôi tổng hợp" của loài chuột. Đáng chú ý là mẫu phôi tổng hợp này được tạo ra mà không cần sử dụng tinh trùng hoặc trứng để thụ tinh.
Ngược lại, phôi được phát triển từ tế bào gốc của chuột. Nghiên cứu này đang mở ra hy vọng về việc phát triển cơ quan nội tạng theo hình thức nuôi cấy, nhưng nó cũng đặt ra các vấn đề về đạo đức.
Trong phòng nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann, Israel, giáo sư Jacob Hanna đang tiến hành kiểm tra phôi trong thùng chứa. Đầu tuần này, nhóm nghiên cứu của giáo sư Hanna đã ghi nhận các tế bào gốc của chuột tự phát triển thành cấu trúc giống như phôi thai trong phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu được phát triển dựa trên một nghiên cứu từ năm 2018, sử dụng nhóm tế bào gốc của chuột tự tổ chức thành một thứ giống như sự khởi đầu của phôi thai nhưng với số lượng tế bào ít hơn nhiều. Thí nghiệm trong năm nay bắt đầu bằng cách thu thập các tế bào từ da của chuột, sau đó làm cho chúng trở lại trạng thái của tế bào gốc.
Các tế bào gốc sau đó được đặt trong một lồng ấp đặc biệt, lồng liên tục di chuyển để bắt chước tử cung. Sau 8 ngày, tức khoảng 1/3 thời kỳ mang thai của chuột, phôi đã có những dấu hiệu ban đầu về tế bào não và tim hoạt động. Chúng được mô tả là giống đến 95% với phôi chuột bình thường.
Giáo sư Jacob Hanna, chuyên gia sinh học tế bào, Viện Khoa học Weizmann, cho biết: "Chúng tôi tạo tế bào gốc trong đĩa, nuôi cấy chúng trong điều kiện đặc biệt và đặt chúng vào thiết bị trong khoảng 20 ngày. Chúng sẽ tạo ra một cấu trúc có tổ chức mà chúng ta gọi là phôi tổng hợp. Phôi tổng hợp này có các tế bào tiền thân bao gồm tế bào sinh sản gan hoặc tế bào sinh sản máu. Ý tưởng tương lai là chúng tôi có thể lấy tế bào này và cấy ghép lại cho bệnh nhân cần ghép tạng".
Theo hãng tin AFP, mặc dù những tế bào này là cấu trúc giống như phôi thai tổng hợp hoàn thiện nhất từng được phát triển nhưng một số nhà khoa học không tham gia vào nghiên cứu đã cảnh báo, không nên gọi chúng là "phôi" cho đến khi chúng thực sự tạo ra một cá thể sống sót, có khả năng sinh sản.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho biết, họ có mục đích xa hơn, đó là thông qua nghiên cứu này sẽ phát triển bộ phận cơ thể người từ tế bào gốc.
Theo giáo sư Jacob Hanna: "Vấn đề lớn đối với việc cấy ghép là bạn cần phải tìm một người hiến tặng phù hợp, nhưng cơ thể người được ghép tạng sẽ luôn có xu hướng đào thải hoặc họ phải dùng thuốc để ngăn chặn điều này. Nếu nghiên cứu của chúng tôi thành công, sẽ không cần tìm người hiến tạng và không có sự đào thải tạng ghép nữa".
Dù còn nhiều tranh cãi về tính khả thi cũng như việc xem xét kỹ thuật này có phù hợp tiêu chuẩn đạo đức hay không, cũng cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể thực hiện được thử nghiệm lâm sàng trên người.
Các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo thêm 3 phôi thai của loài tê giác trắng phương Bắc, nâng tổng số lên 12 phôi trong nỗ lực cứu loài này khỏi bị tuyệt chủng.