Tạo đột phá hạ tầng giao thông để sớm có 3.000 km đường cao tốc

Chia sẻ Facebook
26/01/2023 00:58:25

Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Tạo đột phá hạ tầng giao thông để sớm có 3.000 km đường cao tốc


Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc


Khởi công 18 công trình, hoàn thành 22 dự án


Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, ngay từ đầu năm 2022, Bộ GTVT đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C. Theo ông Huy, lần đầu tiên trong 1 năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cùng các dự án cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 3 TP HCM ; Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.

Cũng trong năm 2022, lãnh đạo Bộ GTVT đã chủ trì trên 600 cuộc họp và rất nhiều đợt kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Sự vào cuộc rốt ráo này đã giúp tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. 18 dự án đã được khởi công, 22 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác.

Cụ thể, về đường bộ, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km), đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3 km) và thông xe kỹ thuật 3 đoạn (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Lĩnh vực hàng không, đã hoàn thành đưa vào khai thác trước 30-4-2022 dự án đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; khởi công nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất .


Về đường sắt, 2 dự án thuộc nhóm các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, một số dự án được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành như: Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2), Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (GĐ2), Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ.

Bộ GTVT đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết năm 2023, Bộ GTVT đăng ký kế hoạch khoảng hơn 71.000 tỉ đồng nhưng tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước cao nhất từ trước tới nay với tổng số vốn lên tới 94.161 tỉ đồng - cao nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần kế hoạch vốn năm 2022). Đây là nhiệm vụ và thách thức vô cùng lớn.

Năm 2023 là năm bản lề có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 . Điều này đòi hỏi toàn ngành GTVT phải tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống đi trước mở đường, vượt nắng thắng mưa, đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn. Trên cơ sở đó, mục tiêu Bộ GTVT đề ra trong năm mới là hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án, hoàn thành 29 dự án.


Phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ hàng đầu

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết trong năm 2023, Bộ GTVT tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được ưu tiên trong năm 2023.

Bộ GTVT sẽ chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 9 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) đang triển khai. Trong đó, 7 dự án (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2) sẽ được hoàn thành trong năm 2023. Năm 2024 sẽ tiếp tục hoàn thành 2 dự án thành phần còn lại (Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo).

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025), bên cạnh 12 gói thầu đã được khởi công, 13 gói thầu còn lại phấn đấu hoàn thành ký kết hợp đồng với nhà thầu, đảm bảo điều kiện khởi công trước ngày 30-1-2023. "Bộ GTVT sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng của các dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm", Bộ trưởng GTVT nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua thực hiện nghi thức khởi công và phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá năm 2022, trong thời gian rất ngắn, Bộ GTVT đã rốt ráo phối hợp, làm ngày làm đêm đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành cả "núi" công việc: Trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với tỷ lệ GPMB được bàn giao đạt tới 70% chỉ trong 1 năm (thay vì mất 3 - 4 năm so với các dự án trước).

Ngoài các dự án khởi công mới, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã cơ bản đưa vào thông xe kỹ thuật đúng kế hoạch.

Đặc biệt, để triển khai được các dự án, năm 2022, Bộ GTVT đã cùng các Bộ, ngành, địa phương huy động được "tiền tươi thóc thật" từ 5 nguồn vốn quan trọng: Vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vốn từ tăng thu giảm chi, vốn ngân sách địa phương và vốn ngoài ngân sách.

"Nếu nhiệm kỳ trước, các nguồn vốn được huy động cho hạ tầng giao thông chỉ đạt 136.000 tỉ đồng thì nhiệm kỳ này, con số huy động được là gần 500.000 tỉ đồng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhận định năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo còn gặp nhiều khó khăn khi một số nền kinh tế lớn có thể đi vào suy thoái, chính sách tiền tệ chống lạm phát tiếp tục tác động tiêu cực, xung đột chính trị trên thế giới còn kéo dài, song, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT khó khăn nào cũng phải vượt qua.

"Phải chủ động nhận diện khó khăn, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII để đạt được mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025"- Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, nguồn vốn được xác định vẫn tập trung cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là công trình cao tốc. Mục tiêu đề ra là tất cả các địa phương đều phải có cao tốc, tăng kết nối vùng, phát triển kinh tế. Tập trung được nguồn lực cho cao tốc ở nhiệm kỳ này, ở nhiệm kỳ sau mới có thể tập trung cho hạ tầng đường sắt .

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý Bộ GTVT phải triển khai quyết liệt nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao 200 km/giờ có thể di chuyển từ Hà Nội vào TP HCM chỉ trong 8 tiếng; hoàn thiện các thủ tục, đề xuất các dự án hợp tác công tư cho tốt, đặc biệt tại các dự án đang làm như: Lạng Sơn - Cao Bằng, Hòa Bình - Sơn La, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Văn Duẩn


Người lao động

Chia sẻ Facebook