Tạo cảm hứng khoa học từ ghế nhà trường
GS Duncan Haldane - người đoạt Giải Nobel vật lý năm 2016, hiện đang giảng dạy tại Đại học Princeton (Mỹ) - dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện về nghiên cứu khoa học trong giới trẻ.
Cuộc gặp gỡ giữa phóng viên Tuổi Trẻ với GS Duncan Haldane diễn ra tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, tọa lạc tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), nơi ông đến để tham dự hội nghị khoa học quốc tế "Điện tử lượng tử Tôpô tương tác trực diện".
Mở đầu cuộc trò chuyện, GS Duncan nói: Động lực để giới trẻ học và tiếp thu được khoa học trong thời đại ngày nay không nhất thiết phải phụ thuộc vào sách vở hay chờ sự dìu dắt từ những nhà khoa học lớn. Việc giáo dục và truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên phải được thực hiện càng sớm càng tốt, từ lúc họ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo tôi, đó mới là điều then chốt hơn là việc đầu tư vào kiến thức một cách máy móc. Trước tiên phải tạo sự thích thú, khi đã thích thú rồi thì các bạn trẻ sẽ tự phát triển kỹ năng tự tìm tòi, nghiên cứu. Có kỹ năng đó, họ tự đi theo con đường khoa học mong muốn.
* Cùng đến Việt Nam dự hội nghị khoa học quốc tế "Điện tử lượng tử Tôpô tương tác trực diện" với GS có GS Đàm Thanh Sơn, Trường đại học Chicago (Mỹ), một người Việt Nam đã được trao Huy chương Dirac - giải thưởng danh giá nhất của giới vật lý lý thuyết. GS cũng tiếp xúc với nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam tại hội nghị này. Vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng nghiên cứu khoa học của Việt Nam?
- Trong nghiên cứu khoa học, theo tôi, phải có người "đầu tàu" cho từng lĩnh vực nghiên cứu. GS Đàm Thanh Sơn là một "đầu tàu" như vậy trong lĩnh vực vật lý lý thuyết và tôi nghĩ những thành công của ông sẽ tạo cảm hứng cho rất nhiều người nghiên cứu khoa học không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Tôi nhận thấy Việt Nam có một nền nghiên cứu khoa học tương đối phát triển. Trong những buổi làm việc tại hội nghị khoa học diễn ra ở ICISE, tôi để ý thấy có một lượng khá lớn sinh viên Việt Nam tham gia. Tôi rất ấn tượng về điều đó.
Tôi nghĩ trong 10 năm nữa, nếu Việt Nam giữ được việc nhiều học sinh, sinh viên có hứng thú với nghiên cứu khoa học như vậy và họ truyền cảm hứng đó cho các thế hệ đàn em kế tiếp cũng như các bạn đồng môn của mình, thì chắc chắn nghiên cứu khoa học của Việt Nam khi đó sẽ phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.
* Nhưng có một thực tế tại Việt Nam là không có nhiều bạn trẻ quyết định gắn sự nghiệp với nghiên cứu khoa học cơ bản, phần lớn đều chọn học một ngành nghề ở đại học, sau khi ra trường đi kiếm việc làm. GS có những gợi ý gì để ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê đeo đuổi nghiên cứu khoa học?
- Việc nhiều học sinh, sinh viên không chọn hoặc không tiếp tục đeo đuổi nghiên cứu khoa học cơ bản đâu chỉ là chuyện của Việt Nam, mà tôi nhìn thấy xảy ra ở nhiều quốc gia. Những người thực sự tâm huyết và có tài năng, muốn cống hiến hết mình cho nghiên cứu khoa học lại thường đi ra nước ngoài, nơi mà chất xám của họ được phát huy tốt hơn và được trả lương cao hơn và nhiều người đã thành công.
Bởi vậy, như tôi đã nói, cần phải tạo cảm hứng và sự thích thú nghiên cứu khoa học cho giới trẻ càng sớm càng tốt, để các bạn quyết định chọn con đường nghiên cứu cho mình. Bên cạnh đó, một cách để khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học chính là đưa việc nghiên cứu gần hơn với việc làm, có như vậy mới thu hút nhân tài dù có đi ra nước ngoài học tập thì cũng về lại quê cha đất tổ.
Mỗi một lĩnh vực nên có một người tài năng truyền cảm hứng cho sinh viên đang theo học, tạo ra môi trường cạnh tranh nhất định để các sinh viên cọ xát và họ biết rằng sự cố gắng trong nghiên cứu khoa học mang lại thành quả thực sự. Khi đó bỗng nhiên chúng ta sẽ có một nền nghiên cứu khoa học vững chắc và phát triển hơn.
* GS vừa nói đưa việc nghiên cứu gần hơn với việc làm thì sẽ tạo hứng thú cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Vậy tại trường đại học mà GS đang dạy ở Mỹ, mô hình này được tổ chức như thế nào?
- Muốn có được điều này thì bắt đầu từ việc giáo dục phổ thông. Ở đó, giáo viên truyền cảm hứng cho học sinh và thay vì dạy thiên về lý thuyết nội dung thì nên nghiêng về nghiên cứu. Nhà trường đặt ra các chủ đề nghiên cứu khoa học nhất định, chú trọng việc dạy cho học sinh, sinh viên các phương pháp và kỹ năng nghiên cứu.
Có những kỹ năng đó, khi ra trường, có khi không làm nghiên cứu khoa học nhưng họ đáp ứng ngay với những công việc đòi hỏi chất xám cao. Việc đào tạo kỹ năng sớm như thế tạo ra một thế hệ học sinh, sinh viên được giáo dục kỹ lưỡng và có kỹ năng, khả năng thích nghi cao hơn. Như vậy, lời giải cho bài toán đưa nghiên cứu gần với việc làm dễ dàng hơn nhiều.
* Trong chuyến đến Việt Nam lần này, ngoài các bài nói chuyện với các nhà khoa học tại hội nghị khoa học quốc tế về Tôpô diễn ra ở ICISE, GS còn có hai bài giảng khoa học đại chúng tại hai trường đại học Quy Nhơn và Khoa học và công nghệ Hà Nội. Giảng những bài khoa học đại chúng này, GS mong muốn đạt được điều gì?
- Hai buổi nói chuyện khoa học đại chúng này tôi mong muốn truyền đạt nguồn cảm hứng của một người làm khoa học là khi nghiên cứu, bạn phải có sự chuẩn bị, phải kiên định với sự nghiên cứu của mình. Làm khoa học, không ai nghĩ là mình nghiên cứu để được trao giải thưởng Nobel hay các giải thưởng danh giá, mà đơn giản làm vì đam mê, muốn khám phá những điều bí ẩn, những vấn đề chưa ai "đụng" đến.
Và khi phát hiện vấn đề mới mẻ mà trước đó chưa có nhà khoa học nào đề cập đến, bạn phải "vồ" lấy ngay. Mình phải kiên định với việc mình làm và khi một cơ hội mới xuất hiện, mình phải biết nắm lấy cơ hội đó, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và theo đuổi đến cùng.
* GS có thể nõi rõ hơn không?
- Như trường hợp của tôi và giải Nobel vật lý được trao năm 2016. Tôi phát hiện những điều mới mẻ trong các pha của vật chất Tôpô vào năm 1988 và bản thân tự thấy cũng… kinh ngạc với sự phát hiện này. Khi tôi nêu vấn đề mình mới tìm ra, nhiều nhà khoa học phản đối, cho là trái chân lý, có người còn bảo ngu xuẩn. Bài báo của tôi đưa cho tạp chí khoa học ba lần đều bị từ chối đăng.
Tôi không nản lòng với điều đó. Những tranh cãi, tranh luận của các nhà khoa học vật lý lý thuyết cuối cùng được giải quyết bằng những nhà vật lý thực nghiệm. Phải mất một thời gian rất dài, mãi đến năm 2013, một nhóm nghiên cứu vật lý thực nghiệm ở Trường đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) mới kiểm tra thành công, qua đó khẳng định phát hiện của tôi là đúng. Năm 2016, công trình của tôi được trao giải Nobel như các bạn đã biết.
Hiện nay tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu những đề tài mà mình theo đuổi, vì đoạt giải Nobel chỉ là một nhánh trong các nghiên cứu của tôi. Có nghĩa là khi bạn đã đạt được thành tích trong nghiên cứu rồi thì cũng đừng dừng lại mà hãy tiếp tục bước trên con đường mình đã chọn, nhiều khi mình lại gặp những viên kim cương lấp lánh trong cát bụi dưới chân.
* Xin cảm ơn GS!
Nội dung: DUY THANH thực hiện Ảnh: LÂM THIÊN Thiết kế: NGỌC THÀNH 15/7/2022
Nội dung: DUY THANH thực hiện Ảnh: LÂM THIÊN Thiết kế: NGỌC THÀNH